Không chỉ là lỗi... thời tiết

Không như hy vọng ban đầu của Bộ Công thương là sau ngày 20-6 việc sản xuất và cung ứng điện sẽ dần trở lại bình thường (khi tình hình thủy văn được cải thiện) mà ngược lại, tình hình thiếu điện, được dự báo vẫn đang diễn ra khá nghiêm trọng sau thời điểm này.

Theo tính toán của Bộ Công thương, trong hệ thống điện quốc gia, các nguồn thủy điện có tổng công suất là 6.500MW, chiếm tới 34% tổng công suất nguồn điện. Do vậy tình trạng khô hạn kéo dài thời gian qua đã làm giảm đáng kể sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nói riêng và hệ thống điện nói chung.

Trong khi nguồn cung từ thủy điện bị hạn chế thì nguồn điện từ chạy dầu cũng không thể “cáng” được do vấn đề về giá. Cụ thể, để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, 5 tháng đầu năm, ngành điện đã huy động 1,86 tỷ kWh điện chạy dầu FO, 330 triệu tua bin khí dầu DO nhưng những nguồn này có giá thành sản xuất gấp 4-5 lần giá bán điện bình quân của EVN.

Một quan chức của Bộ Công thương, trong một cuộc giao ban được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cho rằng, nếu EVN phát huy tốt hơn công suất các nhà máy, tổ máy chạy dầu như đã làm trong tháng 3 thì việc cắt điện sẽ giảm đi rất nhiều song vì nguồn điện chạy dầu giá thành cao nên EVN đã lựa chọn cách giảm cung cấp điện để bớt lỗ cho ngành. Đây thực sự là một nghịch lý khi mà với vai trò của mình, EVN phải đặt lợi ích chung lên trên thay vì quá tính toán đến chuyện lợi nhuận của mình.

Vẫn biết rằng nguyên nhân chính của tình hình thiếu điện hiện nay là do hậu quả của khô hạn nghiêm trọng và phụ tải tăng quá cao khiến các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện. Nhưng rõ ràng, đây cũng là trách nhiệm của Bộ Công thương mà cụ thể là EVN bởi khô hạn ảnh hưởng đến việc cung ứng điện không phải năm nay mới xảy ra mà đến từ nhiều năm trước song vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Để rồi, đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô là ngành điện lại “kêu bài” khô hạn dẫn đến thiếu điện.

Giải pháp gần như năm nào cũng được EVN thực hiện để hạn chế việc thiếu điện là kêu gọi các hộ tiêu dùng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ép buộc bằng việc cắt điện. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và không đánh trúng được vấn đề, bởi doanh nghiệp, người dân khi sử dụng một mặt hàng, dù nhiều hay ít họ đều phải có tính toán của riêng họ chứ không hẳn hoàn toàn để người khác kêu gọi họ mới thực hiện.

Hiện nay, việc sản xuất điện đã có sự xuất hiện nhiều hơn của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: dầu khí, than - khoáng sản… Dù không còn độc quyền trong lĩnh vực sản xuất nhưng EVN vẫn là doanh nghiệp nắm giữ toàn bộ hệ thống phân phối, truyền tải, điều độ hệ thống điện… do đó đã tạo ra những rào cản rất lớn cho việc tham gia thị trường cung ứng điện từ của nhà đầu tư khác. Và nếu chưa thị trường hóa được ngành điện, chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất điện để bán điện sao cho có lãi và khi điện chưa là hàng hóa có sự cạnh tranh như các mặt hàng khác thì việc thiếu điện sẽ tiếp tục diễn ra năm này qua năm khác.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục