Cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố thương hiệu rau Đà Lạt do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận tại TPHCM - địa phương tiêu thụ rau lớn nhất của Lâm Đồng, chiếm gần 1/3 sản lượng sản xuất mỗi năm và cũng là cửa ngõ để xuất khẩu rau hoa nổi tiếng của Đà Lạt đi nhiều nước trên thế giới.
Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp cho các loại rau quả và hoa vùng ôn đới, nên từ lâu sản phẩm rau quả các loại của TP Đà Lạt và vùng phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà nổi tiếng cả nước về chủng loại và chất lượng, với sản lượng 1,3 triệu tấn rau quả/năm. Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Coop, ngay cả các tỉnh phía Bắc cũng sử dụng rau quả Đà Lạt do nơi đây có thể gieo trồng quanh năm.
Tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2011, bình quân 1ha trong số 40.000ha đất trồng rau tạo ra giá trị sản xuất trên 100 triệu đồng/năm, nhưng với diện tích áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, con số này hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, đây là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với hơn 11.000ha, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên cả nước.
Lâm Đồng, đặc biệt là vùng trồng rau quả tại TP Đà Lạt và phụ cận đã đi đến việc chuyên môn hóa rất cao từng công đoạn. Tất cả nhà vườn đều mua giống tại khoảng 100 cơ sở sản xuất giống và 43 cơ sở nuôi cấy mô. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên giống sạch bệnh giúp chất lượng rau quả không chỉ tốt hơn, an toàn hơn mà còn rút ngắn thời gian trồng. Cải bó xôi, nếu theo cách cũ cần đến 54 ngày, nay do chuyên môn từng công đoạn, rút xuống còn 35 ngày.
Điều này giúp cho việc phòng trừ sâu bệnh hiệu quả hơn, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhờ chu kỳ trồng rau ngắn hơn vòng đời của côn trùng gây bệnh. 50% sản lượng cải bó xôi xuất khẩu qua Nhật Bản.
Tương tự, với hơn 2.000ha cà chua, 100% diện tích ở đây đều sử dụng giống ghép nên sâu bệnh ít hơn, giảm thuốc trừ sâu, năng suất cao hơn và chất lượng đảm bảo hơn và giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường. Chính việc chuyên môn hóa từng công đoạn, các cơ sở chuyên sản xuất cây giống cạnh tranh bằng việc luôn tìm kiếm, khảo nghiệm giống mới để đáp ứng nhu cầu của nhà vườn.
Đây còn là địa phương đầu tiên trồng rau hữu cơ của Công ty Organic trong cả nước, không sử dụng thuốc và phân bón hóa học. Sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Organic Dalat cho biết, nếu biết áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và các công đoạn khác sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị từ rau quả lên rất nhiều. Như sản phẩm của rau trồng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao đã tạo ra giá trị hơn hẳn rau quả cùng loại. Khi qua sơ chế, rau quả đóng gói với nhãn hiệu rõ ràng và có thể truy xuất nguồn gốc đã nâng thêm giá trị sản phẩm. Sản xuất hữu cơ đã nâng thêm giá trị khi rau quả được chứng nhận của chuỗi nhà hàng ở châu Âu. Vì vậy, 120.000 đồng/kg rau có thể ăn liền sau khi lấy ra khỏi bao bì của công ty vẫn có người mua.
Điều đáng nói, lượng người tiêu dùng trong nước đã mua sản phẩm của Công ty Organic tăng rất nhanh. Không chỉ hơn 1.000 gia đình nước ngoài làm việc tại Việt Nam đặt mua dài hạn sản phẩm này mà đã có cả gia đình người Việt khá giả, nhất là ở Hà Nội đặt mua.
Đăng Lãm