Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và Luật Thủy lợi. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, nếu không có chính sách đột phá, ngành du lịch sẽ khó phát triển.
Chính sách chung chung, thiếu đột phá
Theo ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM), du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư còn chung chung, chỉ mang tính chất khuyến khích. Do đó, để ngành này phát triển cần quy định thêm là tạo mọi điều kiện ưu tiên cho hoạt động đầu tư nhằm thể hiện sự quyết tâm hơn.
Chia sẻ điểm này, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM), chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 dự thảo chưa cụ thể, chưa rõ và thực tế du lịch là lĩnh vực đa ngành, cần có sự chủ động các ngành tham gia. Nếu các ngành làm tốt thì du lịch mới phát triển.
Nêu ví dụ tại hội nghị về đề án phát triển du lịch mới đây, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết kể, khi đề cập đến chính sách ưu đãi để phát triển ngành du lịch, đại diện ngành tài chính đặt câu hỏi tại sao phải ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư của ngành này trong bối cảnh kinh tế thị trường. Còn Bộ Ngoại giao cho rằng không nên mở rộng quá việc miễn visa.
Đó là mới chỉ có hai ngành có ý kiến, còn các ngành khác không biết quan điểm. Do vậy, quy định chung chung như dự thảo là khó phát triển ngành du lịch. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để có quy định thông thoáng nhưng đảm bảo chặt chẽ giúp ngành phát triển”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói.
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cũng đồng tình và cho rằng, quy định về chính sách phát triển nhưng nội dung dự thảo lại không thấy chính sách. Tại Điều 5, từ khoản 1 đến 8 đều chỉ có những câu chung chung như Nhà nước tạo cơ chế, khuyến khích… mà không nêu cụ thể. Như vậy sẽ khó tạo được sự đột phá cho phát triển du lịch.
Phải giữ chân và “moi” được tiền du khách
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), du lịch là một trong vài ngành chủ lực của Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, dự luật chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết bức xúc, bất cập hiện nay do hội nhập phát sinh.
“Chưa tái cơ cấu được tư duy như Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói thì du lịch Việt Nam sẽ mãi lẹt đẹt theo sau, không bằng Thái Lan được trong khi chúng ta có lợi thế không kém quốc gia nào”, ĐB Trương Trọng Nghĩa bình luận.
Cũng theo ông, chúng ta làm du lịch chủ yếu chạy theo khai thác mà thả nổi bảo tồn, để “tỉnh nào làm được thì làm” trong khi phát triển du lịch không chỉ là “ăn xổi ở thì” cho nhiệm kỳ này, thế hệ này. Do đó, Chính phủ cần đầu tư gia công thêm dự án luật bằng việc mời các chuyên gia về lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước đóng góp ý kiến.
Xung quanh vấn đề làm sao giữ chân được khách du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ luôn tạo cơ hội cho người dân đi du lịch bằng cách hoán đổi ngày làm việc để có nhiều đợt nghỉ dài ngày. Chính phủ cũng đã tạo nhiều chính sách thuận lợi cho du khách cả trong và ngoài nước. Nhưng thực tế thì sao? Khách du lịch nước ngoài vẫn phần lớn “một đi không trở lại”. Lý do là vì an toàn giao thông; thực phẩm không bảo đảm; nạn chặt chém trong du lịch vẫn tiếp diễn. “Nhiều nơi làm du lịch chỉ 3 tháng để ăn cả năm, vì thế họ tận thu trong thời gian đó. Uống một cốc nước dừa vừa bị tính tiền nước vừa tính tiền ghế ngồi, khiến du khách vô cùng bức xúc”, ĐB Lê Thị Nga nêu.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) kể, khi hỏi khách du lịch người Nga có quay trở lại Việt Nam hay không, họ nói là không quay lại vì không thích do chỗ chơi không có; chỗ nào cũng chèo kéo; casino không có… Còn dịch vụ thì “chộp giật” nhiều nên nếu muốn khách du lịch tiếp tục trở lại nhiều hơn thì cần có định hướng.
Với hàm ý làm dịch vụ tốt, giữ chân được du khách ở lại và tiêu tiền, ĐB Nguyễn Minh Đức chia sẻ: “Tôi đi Thái Lan 3 lần và lần nào lên máy bay về nước đều không còn đồng baht nào. Họ “móc túi ghê gớm”, không thể không mua”.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, chỉ có 40% khách quay lại TPHCM và cho rằng đây là con số mà những người làm du lịch phải suy nghĩ, nghiên cứu để điều chỉnh bằng điều nào trong luật để ngành phát triển.
Cũng theo ĐB Quyết Tâm, nhiều nước có ngành công nghiệp không khói phát triển, họ có chính sách rõ ràng, có bước đi, lộ trình và kèm đó là chính sách đặc thù. Chẳng hạn như họ tính toán khách tiềm năng của từng khu vực, dự báo trên một số năm, nơi nào ổn định và tăng trưởng là họ có chính sách từng năm để thu hút khách tăng lên.
“Điều 5 của dự luật, ban soạn thảo nên suy nghĩ thêm. Nên chăng Chính phủ quy định chi tiết và trình kèm theo dự thảo để Quốc hội có ý kiến. Nếu chính sách không phù hợp, đột phá thì ngành khó có sự phát triển”, ĐB Quyết Tâm nói.
Còn theo ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), để phát triển du lịch phải đầu tư để có quy hoạch tổng thể, phải đầu tư hạ tầng cho du lịch. Ví dụ nhiều khu du lịch biển như: Đà Nẵng, Nha Trang... có dịch vụ lặn ngắm san hô nhưng hạ tầng, phương tiện nghèo nàn. Bình Thuận có dịch vụ trượt cát nhưng phương tiện đơn điệu.
Liên quan đến vấn đề hướng dẫn viên du lịch, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, hướng dẫn viên du lịch quyết định 60%-70% sự thành công của một tour du lịch. Hiện nay, theo phản ánh của các doanh nghiệp du lịch lớn tại TPHCM, có tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài sang Việt Nam hành nghề như các doanh nghiệp của Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc đưa khách sang Việt Nam và đề nghị sử dụng hướng dẫn viên của họ. Doanh nghiệp lớn từ chối nhưng có những doanh nghiệp nhỏ của TPHCM sẵn sàng bán thương hiệu của mình cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều này là rất nguy hiểm vì trong quá trình hướng dẫn, không thể đảm bảo hướng dẫn nước ngoài am hiểu lịch sử, văn hóa, chính trị của Việt Nam và họ giải thích gì với du khách. Thực tế trên đã gây thiệt hại cho ngành du lịch Việt Nam, do đó cần có quy định chặt chẽ.
Tán thành miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung miễn thuế đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2020. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn khoảng 53,5 tỷ đồng, diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn là 93.917 ha. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Chính phủ trình miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, Chính phủ cũng trình miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu Sau phiên thảo luận tổ thì phiên thảo luận tại hội trường chiều 8-11 chỉ có 8 ĐBQH có ý kiến và hầu hết đồng ý với tờ trình của Chính phủ. ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đều đồng ý miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) thậm chí đề nghị kéo dài hơn thời gian miễn thuế hết năm 2030. Hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV Chiều 8-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo tờ trình, mục đích là hỗ trợ DNNVV phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên, để tránh việc hỗ trợ dàn trải, tạo gánh nặng cho ngân sách; mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận các nội dung hỗ trợ cơ bản thông qua việc tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ như thuế, tín dụng, đào tạo, thông tin, tư vấn; một số doanh nghiệp có tiềm năng phát triển được Nhà nước hỗ trợ có chọn lọc, trọng tâm nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế... Dự thảo đã thu hẹp các đối tượng hỗ trợ nhằm có trọng tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên cho: DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN chuyển từ hộ kinh doanh, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến... Tán đồng với nhiều nội dung tại dự thảo nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng DNNVV được thụ hưởng các chính sách; xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ DN, đồng thời quy định “điểm dừng” pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa... Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể việc giảm thuế suất cho DNNVV và các biện pháp hỗ trợ về thuế khác để nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai, nhưng không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước hiện tại. |
Nhóm PV