Không có chuyện đánh đổi

Chiều 26-4, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tổ chức họp báo về nghi vấn xả thải không qua xử lý, có chứa hóa chất làm cá chết ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị.

Tại cuộc họp báo, do ông Trương Phục Ninh, Phó Tổng giám đốc điều hành FHS chủ trì, tập thể lãnh đạo Công ty FHS Hà Tĩnh đã “nói lại cho rõ” về phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại FHS. Ông Trương Phục Ninh cho biết: “Ông Chu Xuân Phàm đã đưa ra phát ngôn không phải là quan điểm của Công ty FHS. Thay mặt Công ty FHS, chúng tôi xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam và sẽ có hình thức kỷ luật ông Phàm”.

Ông Ninh khẳng định, FHS mong sớm có kết quả điều tra nguyên nhân hiện tượng cá chết. Trước khi cuộc họp báo kết thúc, ông Chu Xuân Phàm đã xin lỗi toàn thể nhân dân và báo chí vì đã phát ngôn gây phẫn nộ trong người dân Việt Nam. Như vậy là lời xin lỗi đã được đưa ra, dẫu muộn màng, nhưng câu chuyện thực sự chưa khép lại khi câu hỏi đau đáu về nguyên nhân thực sự của hiện tượng bất thường này, cũng như ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm vẫn còn đó.

Phải chăng đã có sự sơ hở khi xét duyệt hồ sơ đánh giá tác động môi trường của một dự án lớn, trong lĩnh vực thuộc loại “nhạy cảm về môi trường”: sản xuất thép? Cần nói thêm là mặc dù đa số nhà đầu tư có ý thức tuân thủ nghiêm túc pháp luật nói chung và pháp luật về môi trường nói riêng, nhưng không phải không còn lối tư duy làm giàu bất chấp tác động đến tài nguyên, đến môi trường của nước sở tại, bất chấp trách nhiệm xã hội của một bộ phận trong số họ. Quan trọng hơn, phải chăng, đã có một sự cả tin phải trả giá đắt, bởi lẽ - như một số nhà khoa học đã chỉ rõ, với công nghệ đang được sử dụng, các sensor không thể nhận diện hết các chất thải độc hại với môi trường sinh thái.

Kết quả tính mô hình phát tán ô nhiễm từ Formosa (trong báo cáo của chính Formosa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2014) cũng cho thấy, nồng độ chất ô nhiễm rất cao; khi xử lý đạt QCVN52/2013/BTNMT thì vẫn vượt quy chuẩn với nước biển ven bờ, nghĩa là có khả năng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Và ngay cả khi Formosa không cố ý xả chui, nhưng có sự cố ngoài ý muốn (trạm xử lý hoạt động không đạt yêu cầu)… thì hậu quả cũng khó lường. Về lâu dài, tiêu chuẩn môi trường với Formosa và các dự án có vị trí tương tự cần đạt QCVN về “nguồn tiếp nhận là nước nuôi trồng thủy sản”.

Quay trở lại với câu hỏi lựa chọn công nghiệp hay hải sản, du lịch và đời sống của hàng triệu người dân ven biển? Rộng hơn, liệu có thể chấp nhận một mô hình phát triển “đen”, bất chấp môi trường? Đây là một câu hỏi không hợp lý. Đường hướng phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước chỉ rõ, luôn luôn là “phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Luôn phải có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Không thể có một xã hội bền vững khi chân kiềng “môi trường” bị gãy. Đó là chưa kể nếu tính đúng, tính đủ chi phí môi trường thì có thể lợi ích đem lại từ hoạt động sản xuất còn không đủ bù đắp.

Việc đáng tiếc đã xảy ra, bên cạnh việc truy tìm chính xác nguyên nhân để buộc những kẻ sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần rà soát lại khung khổ pháp lý và hiệu quả thực thi các biện pháp hậu kiểm. Để không ai còn có thể đưa ra những lời tuyên bố chối bỏ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp/tổ chức mình theo kiểu: “Chúng tôi chỉ có thế và các bạn phải chấp nhận”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục