Không có gì, tôi đến liền!

Chị Cúc Hương (25 tuổi, nhà Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Chiều 27-8, tôi đi tiêm vaccine, tới chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên đường Lê Duẩn, xe của tôi bỗng dưng tắt máy. May mà nhờ có các anh công an trực ở đây gọi điện thoại cho anh Hưng đến hỗ trợ. Chừng 20 phút sau, anh Hưng đến, sau đó, xe tôi nổ máy ngon lành”.

1. Thành phố những ngày dịch Covid-19 bùng phát, anh Hưng đã chủ động lên ý tưởng cùng các anh em trong Đội cứu hộ xe máy, ưu tiên giúp đỡ lực lượng tuyến đầu chống dịch, như: xe của lực lượng công an, nhân viên y tế, xe chuyển hàng hóa phục vụ đời sống thiết yếu cho bà con nhân dân…

“Ra đường thời gian này nguy hiểm, nhưng tôi không đi làm không được. Những người bên phòng chống dịch họ rất cần và tôi cũng muốn giúp họ, nên mình phải đi làm thôi. Tôi cũng đâu có giấy đi đường, toàn chìa ra tin nhắn của các anh chị gửi đến nhờ hỗ trợ cho các anh giữ chốt kiểm soát xem… rồi được cho đi vì là tình huống thật sự cần thiết”, anh Hưng bộc bạch.

Không có gì, tôi đến liền! ảnh 1 Anh Hưng hỗ trợ sửa xe cho một khách hàng trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7

Anh Hưng cho biết, có khi đang ngồi nói chuyện với vợ con thì điện thoại báo có tin nhắn cần hỗ trợ sửa xe, anh phải nói dối với vợ là bạn mình nhờ ra đường mua ít thuốc men do họ đang ở trong khu cách ly. Cũng có khi mới vừa về tới nhà, ăn chưa được nửa chén cơm thì anh bỏ ngang để chạy đi giúp các anh em làm nhiệm vụ để kịp thời gian đến chốt trực.

“Em là dân quân tự vệ, cần xe đi trực chốt, nhờ bên anh hỗ trợ giúp…”; hay “Anh thay bình ắc quy giúp em, xe Click Thái đời 2018… Anh hỗ trợ giúp em, để có xe ra chốt trực…”. Anh đưa những dòng tin nhắn cho chúng tôi và chúng tôi còn nhìn thấy, kèm theo nội dung tin nhắn của những khách hàng gửi đến cho anh là những lời cảm ơn chân thành; và câu chốt hạ đến từ anh: “Không có gì. Tôi đến liền” - thật dễ thương.

“Tiền không ai không cần, nhưng trong lúc này, sức khỏe, thời gian là cần nhất”, anh Hưng nói. Vậy nên, anh luôn tranh thủ “vọt cho lẹ” để kịp hỗ trợ sửa xe cho anh chị em đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Tiền công anh nhận cho những chuyến ra đường không bao nhiêu, còn các linh kiện thay thế, anh Hưng cho biết chỉ lấy giá gốc và luôn gửi khách hàng kèm theo giấy bảo hành chính hãng. Nhiều trường hợp hỗ trợ như vá ruột, hay kích bình ắc quy…, anh làm miễn phí.

2. Với chứng chỉ kỹ thuật viên sửa chữa xe máy, anh Nguyễn Quang Hưng quê Hà Tĩnh vào quận Phú Nhuận, TPHCM làm thợ. Năm 2020, anh phải tạm bỏ nghề, về quê cùng vợ con khắc phục hậu quả lũ lụt. Khi vào lại TPHCM thì dịch Covid-19 bùng phát, công việc của anh Hưng phải dừng lại. Biết anh tay nghề giỏi, nhiều khách hàng quen trước đây hay liên lạc, nhờ anh đến nhà sửa chữa xe giúp. Tiếng lành đồn xa, anh Hưng đủ sống qua ngày với số tiền kiếm được từ nghề sửa xe máy lưu động.

Ban đầu, anh Hưng chỉ đưa những thông tin, đại loại như: sửa xe máy lưu động, số điện thoại, địa chỉ… của mình lên tài khoản Facebook và Zalo. Sau đó, anh Hưng liên tục nhận được nhiều cuộc gọi nhờ hỗ trợ. Làm không xuể, anh Hưng đã liên lạc với một số anh em thợ sửa xe máy ở một số quận, huyện để hỗ trợ nhau cùng giúp đỡ bà con một cách nhanh nhất có thể.

Đến nay, đội của anh Hưng có 20 thành viên, với nhiều lứa tuổi khác nhau. Do dịch bệnh, một số anh em phải nghỉ làm, về quê, nên Đội cứu hộ xe máy của anh Hưng giờ còn 8 người, nhưng chỉ có anh và một người khác thường xuyên hoạt động, bởi được tiêm ngừa đủ 2 liều vaccine Covid-19.

Khi thấy việc làm của nhóm anh Hưng mang lại những giá trị tích cực, cần lan tỏa trong cộng đồng, một khách hàng của anh đã lập hẳn một tài khoản Facebook mang tên Đội Cứu hộ xe máy TPHCM 24h và kèm theo số điện thoại 0911.556.356, để ai cần thì có thể liên lạc, nhờ hỗ trợ. Khi khách hàng gọi điện thoại để nhờ tư vấn, tự sửa chữa thì anh và các anh em khác cũng sẵn sàng hướng dẫn đến khi nào xe chạy được mới thôi.

Anh Hưng cho biết thêm, khi thành phố hết dịch, anh sẽ tạo điều kiện trong khả năng của mình để giúp đỡ cho những trẻ em mồ côi hoặc có hoàn cảnh khó khăn học nghề sửa xe máy.

“Mai mốt thành phố trở lại như cũ, tha hồ mà làm, chắc chắn không đói đâu. Cứ mỗi lần hỗ trợ thành công cho các anh em làm nhiệm vụ chống dịch, tôi vui lắm. Và vui hơn khi nhìn các anh ấy vội vã đi làm nhiệm vụ sau cái gật đầu cảm ơn một cách chân tình, dễ mến”, anh Hưng kể.

Tin cùng chuyên mục