Không còn là ưu tiên

Mặc dù lệnh ngừng bắn đã bắt đầu có hiệu lực từ hôm 18-5 để cho phép người dân địa phương thu hoạch lúa mì và học sinh tham gia kỳ thi nhưng Taliban đã tiến hành các cuộc tấn công ở một huyện miền Đông Afghanistan, nơi những người cao tuổi địa phương đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn kéo dài một tháng.
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự Shorab ở tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự Shorab ở tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiếng súng lại vang lên tại thành trì trung gian cho lệnh ngừng bắn, cũng như nhiều nơi khác, là điều được dự đoán về tình hình tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Theo thông báo của Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ, kế hoạch rút quân của Lầu Năm góc khỏi Afghanistan đã được hoàn thành ở mức 13%-20%, sau khi Mỹ lỡ hạn chót rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này vào ngày 1-5 (theo thỏa thuận với Taliban hồi năm ngoái).

Trước đó, một số hãng truyền thông đã nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là cơ hội cho Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc có thể kéo Afghanistan vào quỹ đạo kinh tế của mình hoặc thậm chí đưa quân đến quốc gia Tây Nam Á này sau khi Washington rút quân. Thực tế, nhận định trên chưa phải lúc diễn ra. Một Afghanistan đang gặp bất ổn về kinh tế thì khó có thể đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi bằng cách phối hợp với các nước khác trong lĩnh vực kinh tế và những lĩnh vực khác. Hơn nữa, theo Global Times, việc Mỹ vội vàng rút quân sẽ khiến tình hình an ninh chung ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn, tác động tiêu cực đến ổn định khu vực và trước mắt, đùn đẩy thêm cho Trung Quốc những thách thức nghiêm trọng, thay vì cơ hội béo bở.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có lưu ý việc Mỹ vội vàng rút quân đã giáng một đòn nghiêm trọng vào tiến trình ngừng bắn ở Afghanistan; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của khu vực. Các nước láng giềng của Afghanistan (ám chỉ Pakistan - PV) cần phải tăng cường hiệp lực như một mặt trận thống nhất và phối hợp hành động để phát huy ảnh hưởng tích cực hơn nữa đến tiến trình hòa bình ở Afghanistan, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, so với Trung Quốc, Mỹ có lẽ không thực sự quan tâm đến việc liệu hòa giải chính trị có thể đạt được ở Afghanistan không, cho dù nội chiến có xảy ra hay lực lượng khủng bố quay trở lại. Afghanistan chỉ là một phần trong chiến lược toàn cầu của Washington nhưng bối cảnh hiện nay không còn là ưu tiên, khi mục tiêu trước mắt của Chính phủ Tổng thống Joe Biden là tập trung nguồn lực liên bang vào an ninh y tế và khôi phục kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục