“Ngày nổi giận” được tổ chức theo kêu gọi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) để lại hậu quả là có thêm hơn 170 người thiệt mạng khắp Ai Cập, hơn 1.300 người bị thương. Quân đội trang bị xe bọc thép vẫn được triển khai dày đặc ở thủ đô Cairo, an ninh xung quanh các trụ sở chính quyền được thắt chặt, nhiều tuyến phố quan trọng bị phong tỏa. Thủ tướng Ai Cập Hazem el-Beblawi đã đề xuất giải tán về mặt pháp lý tổ chức Anh em Hồi giáo. Về phần mình, Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng vừa được thành lập do MB đứng đầu và quy tụ nhiều lực lượng Hồi giáo ủng hộ tổng thống bị lật đổ Morsi - thông báo sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình “hòa bình” hàng ngày nhằm phản đối cái gọi là “cuộc đảo chính quân sự” lật đổ vị tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Ai Cập này.
Theo tuần báo Ai Cập Al Ahram, quân đội Ai Cập đã giành lại quyền lực khi lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi vào ngày 3-7 vừa qua và bảo trợ cho một giai đoạn chuyển tiếp mới. Trên thực tế, quân đội đã không thật sự rời khỏi vũ đài chính trị kể từ khi ông Morsi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng và chỉ huy Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, tướng Mohamed Tantawi và Tham mưu trưởng Sami Anan hồi tháng 8-2012. Kể từ khi bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay, Abdel-Fattah al-Sisi thay cho Tantawi, tất cả mọi người đều nghĩ rằng quân đội rút lui nhưng những gì đã diễn ra cho thấy điều ngược lại.
Gần như không thể nói quân đội hay ai là người thắng cuộc ở Ai Cập. Việc phế truất trái với luật lệ của lá phiếu chắc chắn sẽ mang lại hậu quả. Tuy khó xác định được ai là người chiến thắng, song tương đối dễ dàng biết ai là người thua cuộc: đó là những người được cho là thuộc giới trẻ ở quảng trường Tahrir. Mỗi lần nổ ra biểu tình, tính kiên nhẫn của người dân lại một lần nữa bị bào mòn. Đại đa số trong 81 triệu dân Ai Cập chưa bao giờ đến quảng trường Tahrir, cũng không quan tâm đến Tổ chức Anh em Hồi giáo. Tất cả những gì họ muốn là trật tự, an ninh được tái lập và có điện.
Cuộc cách mạng ngày 25-1-2011 đã thành công trong việc lật đổ chế độ Mubarak vì người dân đoàn kết tại quảng trường Tahrir. Nhưng Ai Cập đang bị chia cắt làm hai. Giờ không phải lúc để đặt câu hỏi về trách nhiệm của người này hay người khác gây ra sự chia rẽ trong các lực lượng quần chúng. Chỉ cần thừa nhận rằng sự chia rẽ đó là chết người đối với phong trào quần chúng và khiến họ mất đi sức mạnh lớn nhất: sự đoàn kết của người dân.
Nhưng đâu chỉ có Ai Cập. Tất cả xã hội Ảrập bắt đầu chuyển động kể từ phát pháo cách mạng đầu tiên Tunisia khai mào. Sau những thay đổi thấy được lúc ban đầu, “mùa xuân Ảrập” đã lan rộng khắp Trung Đông và làm cho khu vực này ngày càng bất ổn với xu hướng phát triển khó dự đoán trước, không còn ý nghĩa hy vọng. Tại Tunisia, đảng Ennahda có nguy cơ mắc phải sai lầm như của MB ở Ai Cập. Phe đối lập ở Tunisia rất có thể làm theo người biểu tình ở Ai Cập. Tác động cũng sẽ diễn ra đối với Libya, nơi các lực lượng bán vũ trang Hồi giáo đang hoành hành và có thể cả ở Morocco.
Chưa kể, hành động của giới quân sự ở Ai Cập xảy ra đúng lúc sẽ khiến đông đảo tín đồ Hồi giáo “thức tỉnh”. Tổ chức Anh em Hồi giáo, sau thời gian tìm cách vạch ra một đường lối chính trị mới dựa trên việc tự nguyện tuân thủ các nguyên lý cơ bản của một nhà nước dân sự, dân chủ và hiện đại, sẽ có ý định quay trở lại với lập trường thần quyền không phù hợp với giải pháp dân chủ. Việc các trào lưu Hồi giáo trở nên cực đoan hơn gây rạn nứt văn hóa và chính trị ngày càng sâu sắc hơn giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây.
LÊ VÂN