Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua Khen thưởng trung ương, Thủ tướng chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua Khen thưởng trung ương, Thủ tướng chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mỗi năm giảm gần 2% hộ nghèo

Thông tin do Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đưa ra cho thấy, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2011 - 2015, còn theo chuẩn nghèo đa chiều là 9,92%). Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Tuy vậy, hiện nay, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam có hơn 2,33 triệu hộ nghèo, chiếm gần 10% số hộ dân toàn quốc và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo, chiếm trên 5% số hộ dân toàn quốc. Đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.

Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình giảm nghèo bền vững đặt mục giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần). Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn này là 48.397 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.848 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.100 tỷ đồng.

Tại hội nghị, ý kiến của các địa phương TPHCM, Lào Cai, Quảng Nam, Trà Vinh… đều khẳng định những kết quả to lớn của chương trình giảm nghèo, nhưng cho rằng, chương trình cũng nảy sinh nhiều bất cập. Điểm chung các địa phương chỉ ra là cần tiếp tục rà soát chính sách giảm nghèo để tránh trùng lắp, phân tán nguồn lực; triệt để bỏ chính sách cho không để loại bỏ tâm lý trông chờ Nhà nước, chuyển sang cơ chế cho vay để khuyến khích người nghèo vươn lên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức, hạn chế của chương trình giảm nghèo. Đó là kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Cả nước có đến 41 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%. Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Nhiều nơi thoát nghèo nhưng chỉ cần có thiên tai, dịch bệnh xảy ra là tái nghèo. Cùng với đó, chính sách của Nhà nước còn chồng chéo, trùng lắp, nguồn lực còn phân tán. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, chưa sáng tạo, chưa vận dụng một cách phù hợp. Nhất là việc xác nhận hộ nghèo còn chưa chính xác, còn tình trạng xác nhận nghèo luân phiên ở một số địa phương. Có nơi “kê khai nhầm chỗ”, cán bộ có thu nhập nhưng kê khai là nghèo. Còn có tình trạng thu quá mức đối với người nghèo trong xây dựng nông thôn mới…

Giảm nghèo phải thực chất

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại nạn đói lịch sử năm 1945 và nhấn mạnh, xóa đói giảm nghèo luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta trong suốt những năm qua. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam là rất ấn tượng, được thế giới công nhận.

“Nhiều huyện mà tôi biết đã làm đơn tự nguyện xin ra khỏi Chương trình 30a. Nhiều hộ nghèo không nhận kinh phí từ quỹ người nghèo, tự lo sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.

Nhiều bài học quý giá trong công tác giảm nghèo ở Việt Nam cũng được Thủ tướng chỉ ra, đó là bên cạnh sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước có sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế; sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của các địa phương, của người dân, tinh thần tự lực tự cường của người nghèo. Nhân dịp này, Thủ tướng cũng ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế như UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc), WB (Ngân hàng Thế giới) đối với công cuộc giảm nghèo của Việt Nam.

Giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII với mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% - 1,5%/năm. Thủ tướng cho rằng, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững phải theo tinh thần “Trao cho người nghèo cần câu chứ không phải trao con cá”, mục đích là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải triển khai hiệu quả, giám sát phong trào thi đua ý nghĩa này.

Thủ tướng yêu cầu toàn hệ thống chính trị phải coi giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng để toàn xã hội chung tay chăm lo cho người nghèo, nhưng người nghèo phải có ý thức tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, cộng đồng. Nhân rộng các nhân tố, điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cũng theo Thủ tướng, để giảm nghèo bền vững phải nâng cao dân trí, năng lực của người nghèo. Không chỉ lo cái ăn cái mặc trước mắt, mà ý nghĩa của giảm nghèo đa chiều chính là bảo đảm con em người nghèo, nhất là ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được học hành, được dạy nghề. “Giảm nghèo phải thực chất, không được chạy theo thành tích, khoa trương”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ ra rằng, để giảm nghèo hiệu quả, bền vững, các địa phương phải đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho người dân. Nhưng phát triển phải bảo đảm bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Cùng với đó, cần vận động nhân dân, toàn xã hội ủng hộ người nghèo, phát huy tổng nguồn lực để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo.

 Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ TT-TT đã công bố đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia. Theo đó, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-10 đến hết 24 giờ ngày 30-11, cổng mở hệ thống để đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1409, không hạn chế số lượng tin nhắn. Với mỗi tin nhắn, người nhắn tin đóng góp 15.000 đồng cho người nghèo. Số tiền này sẽ dành để chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo.

Sau khi Bộ TT-TT công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhắn tin ủng hộ người nghèo. “Nếu phát động được khoảng 1/3 số dân ở Việt Nam tham gia chương trình nhắn tin này thì số tiền sẽ là bao nhiêu? Đông tay vỗ nên kêu, hãy vì người nghèo vừa là lương tâm vừa là trách nhiệm”, Thủ tướng kêu gọi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục