Không để ai cô đơn trong tuổi già

Từ năm 2015, Chính phủ quyết định lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Người cao tuổi không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ con cháu mà còn có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do đó, tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam là dịp để các cấp Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội, cùng với mỗi gia đình củng cố và phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, ông bà. “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm nay có chủ đề “Chung sức vì người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa” nhằm vận động các tổ chức và cá nhân tăng cường các nguồn lực góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi cô đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách an sinh xã hội, đồng thời tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy thế mạnh về khả năng, kinh nghiệm, kiến thức trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, giảng dạy. MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể xã hội cũng có nhiều hình thức tập hợp người cao tuổi tham gia các phong trào xây dựng nông thông mới, thực hiện văn minh đô thị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, có uy tín trong gia đình, cộng đồng.

TPHCM hiện có gần 500.000 người cao tuổi và có tuổi thọ bình quân đứng thứ hai cả nước. Nhằm nâng cao chất lượng sống người cao tuổi, TP xây dựng nhiều mô hình, trong đó một số bệnh viện thành lập những phòng khám lão khoa, nhiều cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập dành cho người già. Việc TP triển khai đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 24 quận, huyện, cùng với sự hoạt động khá hiệu quả của 24 câu lạc bộ người cao tuổi đã góp phần huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng vào chăm sóc người cao tuổi, trợ giúp người cao tuổi tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát huy vai trò của người cao tuổi và việc chăm lo đời sống của người cao tuổi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Còn rất nhiều người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhu cầu của người cao tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội là rất lớn, song khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.

Cũng như nhiều địa phương khác, TPHCM đang xuất hiện ngày càng nhiều người cao tuổi cô đơn, mà đáng lưu ý là sự cô đơn này lại ngay tại trong những gia đình hiện đại và đầy đủ con cháu. Hàng ngày, sau giờ tan sở, nhiều người làm thêm, đi học nâng cao kiến thức hoặc chăm sóc gia đình nhỏ của mình... nên không còn nhiều thời gian để trò chuyện, vui chơi cùng ông bà, cha mẹ. Niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi của tuổi già là muốn quây quần bên con, bên cháu thì nay đang bị nhịp sống hiện đại “cướp” mất. Nhiều người cao tuổi có con cái thành đạt, có nhà ở riêng, bản thân có điều kiện vật chất, nhưng vẫn muốn đến viện dưỡng lão để có điều kiện chăm sóc sức khỏe y tế chu đáo, tìm sự yên tĩnh tuổi già, tìm bầu bạn tâm sự hoặc tham gia vào các hoạt động dành riêng cho người cao tuổi. 

Mô hình gia đình hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Một khi có điều kiện, con cái mua nhà ở riêng, sống độc lập với bố mẹ. Cũng không ít ông bố, bà mẹ có nhu cầu sống tách rời con cái để tránh xung đột trong lối sống giữa các thế hệ trong cùng một nhà, hoặc nhiều cụ không muốn làm phiền con cháu vì tự lo liệu được cuộc sống của mình. Nhiều cặp vợ chồng sinh sống và làm việc ở đô thị, đã đón bố mẹ, ông bà ở quê ra để tiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống. Cả ngày con cái đi làm, các cháu đi học, nên nhiều cụ cảm giác như bị “nhốt” ở trong khuôn viên ngôi nhà chật chội, bị bỏ đói về cả hoạt động xã hội cũng như hoạt động tinh thần. Thành ra, nhiều người cao tuổi ở đô thị rơi vào cảnh cô đơn trong chính gia đình đầy đủ tiện nghi, nhất là những cụ đã mất đi người vợ hoặc người chồng. Trong số họ có không ít trường hợp bị dẫn đến trầm cảm.

Không để ai cô đơn trong tuổi già, đó chính là thông điệp để mỗi gia đình và xã hội cần tạo điều kiện tốt nhất giúp người cao tuổi hòa vào nhịp sống cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội để sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục