Không để bọn cướp giật lộng hành

LTS: Trong tuần, Báo SGGP nhận được nhiều thư và thông tin của bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng, bày tỏ tâm trạng lo lắng, bất an trước tình hình tội phạm cướp giật gia tăng và có biểu hiện manh động hơn. Bạn đọc cũng nêu ý kiến về giải pháp đấu tranh chấn chỉnh tình hình này.

LTS: Trong tuần, Báo SGGP nhận được nhiều thư và thông tin của bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng, bày tỏ tâm trạng lo lắng, bất an trước tình hình tội phạm cướp giật gia tăng và có biểu hiện manh động hơn. Bạn đọc cũng nêu ý kiến về giải pháp đấu tranh chấn chỉnh tình hình này.

  • Đừng để Lục Vân Tiên phải đơn độc

Vụ cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị bọn cướp dùng mã tấu chém để cướp tài sản tại cầu Phú Mỹ (quận 2, TPHCM) khiến nhiều người bàng hoàng. Càng thương xót cho nạn nhân, người ta càng khâm phục ông Đặng Văn Nở - người đã chứng kiến sự việc và dũng cảm can thiệp cứu cô Thúy. Ông Nở đã cấp báo để ứng cứu nạn nhân, rồi một tay lái xe, một tay giữ nạn nhân để chở đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Thật cảm động khi nghe ông Nở kể lại chuyện lúng túng vì không biết cách sơ cứu, vội vàng cởi áo mình để quấn cánh tay người bị nạn. “Đến được bệnh viện, tôi mừng muốn chết, nếu cô ấy có chuyện gì không hay chắc tôi buồn lắm”. Cách nói mộc mạc mà chân tình, người ta thấy ở ông Nở phẩm chất một Lục Vân Tiên thời nay. Không quản ngại nguy hiểm, can thiệp cứu người, lo lắng cho tính mạng người khác như đối với người thân của mình, ông đúng là một hiệp sĩ.

Khâm phục ông Nở, chúng ta cũng không khỏi giật mình băn khoăn: Bây giờ những Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” như ông Nở sao hiếm quá. Mà cũng đúng thôi, thời nay vắng bóng Lục Vân Tiên vì thủ đoạn của kẻ ác bây giờ quá kinh hãi. Trước đây bọn cướp giật trấn áp, đe dọa để lấy tài sản của nạn nhân, chỉ khi bị truy đuổi cùng đường mới quay đầu đánh trả để hòng thoát thân. Còn nay, chúng ra tay chém, bắn nạn nhân trước rồi mới cướp sau. Kẻ cướp còn tổ chức thành băng nhóm, có cảnh giới, có truy cản, sẵn sàng tấn công những người ra tay nghĩa hiệp cứu nạn nhân. Thế nên mặc dù sự việc xảy ra ngay trước mắt, người qua đường cũng khó có thể can thiệp vì không thể manh động trước họng súng, lưỡi dao của kẻ ác.

Hành động của ông Nở là đáng trân trọng và nên được nhân rộng. Tuy nhiên, để xã hội có thật nhiều người dám ra tay nghĩa hiệp như ông Nở, chính quyền và công an phải kết nối sức mạnh xã hội cùng đồng thuận tuyên chiến với cái ác, không thể để từng người dân đơn độc đối mặt với bọn tội phạm hung hãn. Trong cuộc chiến chống tội phạm trên đường phố, lực lượng nòng cốt phải là cảnh sát hình sự, lực lượng tuần tra, phối hợp với cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố, thường xuyên tuần tra kiểm soát những địa bàn phức tạp, khi dân cấp báo phải kịp thời có mặt để ứng cứu, xử lý vụ việc. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cùng sự vào cuộc tích cực của người dân, chắc chắn cái ác phải chùn tay, bọn tội phạm không còn đất sống.

ANH NGUYỄN (Hiệp Bình Phước, Thủ Đức)

  • Trấn áp, xử lý nghiêm bọn cướp giật hung hãn

Hành động của những tên cướp hung hãn bất ngờ chém đến đứt tay chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy để cướp tài sản đã gây rúng động dư luận vì sự manh động hết sức tàn bạo, dã man. Điều đó cho thấy bọn cướp giật có tổ chức hiện nay đang hoạt động rất liều lĩnh, bất chấp pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi tội phạm đến cùng, cố ý gây thương tích, thậm chí tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Tội phạm cướp giật có tổ chức trên đường phố là hiểm họa của xã hội.

Trong số những tên cướp giật có tổ chức đã bị bắt giữ, có rất nhiều tên có tuổi đời còn rất trẻ, vị thành niên, nhưng thủ đoạn hết sức ngông cuồng, liều lĩnh và tàn ác. Có nhiều tội phạm trước khi ra tay thực hiện hành vi cướp giật đã sử dụng những loại thuốc kích thích, chất gây nghiện để nhằm tăng thêm sự liều lĩnh mất nhân tính. Trước khi ra tay cướp giật tài sản, bọn tội phạm có tổ chức đã lên kế hoạch chặt chẽ, chuẩn bị sẵn các loại hung khí để gây án; có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm. Khai thác sự nhân đạo của pháp luật quy định bị cáo thực hiện hành vi tội ác nếu dưới 18 tuổi sẽ không phải chịu mức án tử hình, nên bọn tội phạm phân công cho đồng bọn trong độ tuổi vị thành niên làm nhiệm vụ sẵn sàng giết chết nạn nhân nếu bị chống cự.

Trong thời điểm cuối năm, TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước đang tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm có tổ chức cướp giật tài sản. Bên cạnh biện pháp tăng cường tuần tra trên đường phố, quản lý các địa bàn phức tạp, tập trung phá án, truy bắt bọn cướp giật có tổ chức, rất cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hình sự, thể hiện thái độ kiên quyết trừng trị để răn đe bằng cách tăng nặng hình phạt đối với các hành vi cướp giật manh động. Đối với những tên tội phạm đã có hành vi tàn ác, dã man, mất tính người, cần phải loại trừ vĩnh viễn khỏi xã hội, hoặc không xét giảm án vì lý do nhân đạo, khoan hồng.

NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục