Cần chính sách tín dụng phù hợp
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về tác động của chính sách đối với việc kiểm soát nguồn vốn vào thị trường BĐS. Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc kiểm soát là cần thiết, nhiều chuyên gia lại khẳng định chính sách có thể “tác động ngược” khi BĐS là đầu ra của hàng trăm sản phẩm của các ngành nghề sản xuất khác và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động hàng năm. Dự báo sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động; giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp BĐS, giảm nhiệt thị trường, hy vọng kiểm soát rủi ro tốt hơn? Hay sẽ làm tăng mất cân đối cung cầu, dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường BĐS giảm, nợ xấu theo đó tăng, giảm đà phục hồi kinh tế?
Ông Lực cho rằng, chúng ta cần tiếp cận, phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nắn dòng vốn nhưng không làm nghẽn; chú trọng điều tiết cung - cầu; đồng thời cần có quy định phân nhóm các phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn phù hợp.
Cùng băn khoăn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng, lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS là cần thiết, nhưng nên giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023. Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội BĐS Việt Nam, kiến nghị, không nên siết các chính sách tín dụng, thay vào đó cần có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích.
Đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kiểm soát chất lượng, đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp, tránh tình trạng phát hành trái phiếu lừa đảo nhà đầu tư. Đồng thời, các quỹ đầu tư cần sớm được hình thành để doanh nghiệp được tiếp cận.
Sẽ tháo gỡ vướng mắc
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ mong muốn được các doanh nghiệp cung cấp thông tin cụ thể hơn về các hợp đồng tín dụng đã ký với các tổ chức tín dụng và nay bị dừng cấp vốn theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế cấp vốn trong BĐS. Ông Kiên khẳng định, những ý kiến từ doanh nghiệp sẽ là căn cứ báo cáo Thủ tướng làm việc với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại gỡ rối.
Ông Kiên cũng nêu quan điểm, cần phải bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống. Cùng quan điểm này, ông Trần Đình Thiên cho rằng, nếu hình sự hóa hoạt động kinh doanh BĐS như hiện nay, các nhà đầu tư lớn sẽ mất hết cơ hội, động lực và thậm chí là rút lui. Do đó, chuyện hình sự hóa các quan hệ trong lĩnh vực BĐS phải thật sự rõ ràng.
Thông tin từ tọa đàm cũng cho biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản chính thức yêu cầu các tổ chức tín dụng không cho vay trên 80% đối với đầu tư, kinh doanh BĐS. Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng gần đây tạm dừng giải ngân do những tổ chức tín dụng đó đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý 1. Một số dự án, chủ đầu tư đang có vấn đề về pháp lý cũng đang dừng lại. Do đó, tình trạng này xảy ra ở cục bộ, chứ không phải ở nhiều tổ chức tín dụng.
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021 đầu năm 2022, nguồn cung BĐS tại các địa phương trên cả nước đều hạn chế và có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, giá nhà ở lại tăng cao so với nguồn thu nhập của người dân. Do đó, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cũng là giải pháp thúc đẩy, tăng cường nguồn cung cho thị trường và giảm giá BĐS.