Người người náo nức chuẩn bị cho một cái tết đoàn viên, yên vui, đủ đầy bên gia đình. Thế nhưng, vẫn còn đó rất nhiều người đang tất bật mưu sinh hay oằn gánh lo toan cho một cái tết không bị “đói cơm, lạt muối”, nhất là những người dân nghèo, bà con vùng dân tộc thiểu số khó khăn, người dân ở vùng thiên tai thiệt hại nghiêm trọng. Thật dễ hiểu vì năm 2017 là năm đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng là năm thiên tai, bão lũ nhiều, dẫn đến việc thiếu đói trong dân. Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho biết, ít nhất có khoảng 5.700 hộ và 19.700 nhân khẩu thiếu đói.
Trước tình hình đó, từ cuối tháng 12-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TW về việc tổ chức Tết Mậu Tuất 2018. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... Tổ chức thăm hỏi các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang và đơn vị làm nhiệm vụ trong những ngày tết.
Dịp tết năm nay, hệ thống MTTQ đã huy động được gần 40 tỷ đồng để xây nhà cho người dân ở vùng thiên tai, đảm bảo người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời trao gần 5,5 tỷ đồng tiền, quà tết đến các hộ nghèo. Hội Chữ thập đỏ cũng đã kêu gọi được 100 tỷ đồng để lo quà tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách ở các vùng trong cả nước. Công đoàn cũng đã có nhiều hoạt động, biện pháp cho lo công nhân, như tổ chức “Tết sum vầy”, quan tâm đến công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp hơn 5.500 tấn gạo cho các địa phương để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và trong thời gian giáp hạt năm 2018. Cùng với đó, các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể, xã hội, các cá nhân hảo tâm... đều có những hành động thiết thực để chăm lo tết cho người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã thường xuyên có mặt ở những vùng khó khăn nhất để thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân nơi đây yên lòng đón tết. Tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, khi đến thăm hỏi, trao quà tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu chính quyền địa phương phải nỗ lực lo cho bà con vui xuân đón tết đầm ấm, không để bất cứ gia đình nào đói cơm, lạt muối, đứt bữa. Tỉnh, huyện cần kiểm tra kỹ càng, nhất là địa bàn xa xôi, không để người dân không có điều kiện vui xuân đón tết. Nếu xã gặp khó khăn thì báo cáo lên huyện, tỉnh giải quyết, để mọi nhà có điều kiện vui xuân đón tết.
Quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc mỗi khi tết đến xuân về là truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc, của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức đoàn thể được phát huy qua từng năm. Thăm hỏi, mang đến cho nhau những phần quà ấm áp để cùng nhau vui tết đón xuân, quên đi những gian truân khó khăn, chắp thêm nghị lực sống để tiếp tục vươn lên thoát đói nghèo, đó là ý nghĩa thực sự của những phần quà tết chứa chan ân tình. Dĩ nhiên, cùng với đó chúng ta đều mong muốn những người dân nghèo sẽ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, để không còn người nghèo, hộ nghèo bị thiếu cơm, lạt muối.