Không để thương lái ép nông dân

Tối 6-10, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam  Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của trung ương tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Bình Thuận. Nội dung các cuộc tiếp xúc với nhân dân của mặt trận sẽ được báo cáo Trung ương và Quốc hội.
Không để thương lái ép nông dân

(SGGPO). - Tối 6-10, Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam  Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của trung ương tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Tỉnh ủy-UBND tỉnh Bình Thuận. Nội dung các cuộc tiếp xúc với nhân dân của mặt trận sẽ được báo cáo Trung ương và Quốc hội.

Học đại học xong không có việc làm thì thôi, không học

Bình Thuận hiện có trên 1,2 triệu người trong đó có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Chăm, Raglay, K’ho.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của nhân dân

Tại buổi tiếp xúc nhân dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn nhân dân thể hiện hết tâm tư của mình. “Bà con có hài lòng với cuộc sống của mình không?. Còn những điều gì bức xúc cần phản ảnh với Đảng, Nhà nước, mặt trận thì mong bà con nói hết lòng. Nhất là đời sống của bà con dân tộc Chăm, chúng tôi rất muốn biết”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu. 

Tại buổi tiếp xúc, người dân thị trấn Ma Lâm bày tỏ nhiều tâm tư của mình, nhưng trong đó nổi lên 2 nỗi lo: “số phận” cây thanh long và sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm.

Ông Thông Khói, dân tộc Chăm bày tỏ nỗi lo học sinh học đại học về không có việc làm. Ông cho biết, trên địa bàn hiện nay xảy ra tình trạng đa số học sinh học xong lớp 12 rồi nghỉ, vì “học đại học xong không có việc làm thì thôi, không học”.

Đại diện đồng bào Chăm tại buổi tiếp xúc

Bà Trần Thị Kim Loan, dân tộc Chăm, thôn 3, thị trấn Ma Lâm phát biểu, bà con rất trăn trở việc con đi học xong không có việc làm. Lúc đi học thì vay nhiều tiền đi học, ra trường không có việc làm nên không trả được nợ. “Trung ương phải nghiên cứu lại cái này”, bà nói một cách mộc mạc. 

Ông Thông Điệu (thị trấn Ma Lâm), một trong những người Chăm uy tín trên địa bàn cũng cho rằng, Nhà nước phải quan tâm giải quyết vấn đề con em học xong không có việc làm.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng học sinh ra trường không tìm được việc làm. Nhiều em học xong phải đi xa, vào tận TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai tìm việc. “Rất nhức nhối. Lý do là công tác hướng nghiệp trong trường học rất kém, dự báo ngành nghề cũng như thông tin về nhu cầu thị trường vừa thiếu vừa yếu. Biên chế hiện nay thì rất ít. Những ngành nghề khác cần lao động như nông nghiệp, duc lịch thì đào tạo chưa bảo đảm yêu cầu, ngay tại địa phương nhiều em học xong nhưng cũng không bảo đảm đáp ứng yêu cầu”, ông Hùng nói.  Vấn đề đặt ra là đào tạo nghề phải bám sát yêu cầu thị trường cũng như người học phải bảo đảm đủ kỹ năng.

Với vấn đề học ra thất nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lỗi từ nhiều phía. Về phía người học, đi học phải xác định rõ nghề mình ra có xin việc được hay không. Về phía Trung ương, tỉnh thì lỗi là không công bố nhu cầu, dự báo nhu cầu việc làm. Trung ương phải tìm giải pháp nhưng tỉnh phải công bố cần lao động nghề nào, số lượng khoảng bao nhiêu. Cần định hướng học sinh không đi học những ngành đã dư thừa. Nếu ngành nghề mình học không có việc làm thì phải đổi nghề và sẵn sàng học thêm để tiếp tục tìm việc làm. “Sinh viên đi học phải năng động, sinh viên thế giới từ năm thứ 2 đã đi tìm việc làm để tích lũy kinh nghiệm, sau này ra trường có thể đi làm, kể cả chấp nhận trái nghề”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

Thanh long bấp bênh vì 70% bán vào thị trường Trung Quốc

Vấn đề cây thanh long thực sự là mối quan tâm hàng đầu của người dân Bình Thuận, bởi thanh long là cây chủ lực nơi đây nhưng vẫn trong tình trạng được mùa mất giá, bị thương lái ép giá. Trong khi đó, Bình Thuận đang đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng thanh long.

Mục sư Nguyễn Đức Thắng (thị trấn Ma Lâm) nêu, thanh long xuống giá quá, dân đã phá để làm ruộng, nhưng phá cũng không có kinh phí mà phá, quay lại ruộng cũng khó. Nhiều khi chính quyền không cho nhưng dân vẫn phá. “Chúng ta thấy rõ nỗi trăn trở của bà con khi phải phá đi hàng chục nghìn trụ thanh long. Nhiều người cũng vẫn trồng thanh long, bán được bao nhiêu thì bán…” ông Thắng nói.

Ông Phạm Minh Tấn nêu thực tế: Cây thanh long là cây có thể xóa đói giảm nghèo, nông dân một nắng hai sương làm ra trái thăng long nhưng không quyết định được giá trị của nó mà phụ thuộc vào thương lái.

Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, diện tích cây thanh long ở Bình Thuận đã vượt quy hoạch, đạt 27.000 ha, sản lượng xấp xỉ 500.000 tấn. Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu 14 nước nhưng trên 70% sản lượng tiêu thụ ở Trung Quốc. Trong số xuất sang Trung Quốc thì trên 70% là theo đường tiểu ngạch, rất nhiều rủi ro. Vừa qua xảy ra tình trạng ép giá thanh long, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng kinh doanh trái phép, trốn thuế. “Nhưng các doanh nghiệp đó không thể làm được điều đó nếu không có sự tiếp tay của bà con. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng này, không thể vì lợi ích trước mắt mà bà con tiếp tay cho các doanh nghiệp đó. Chúng ta hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn chân chính nhưng kiên quyết tẩy chay những doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kêu gọi người dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, không thể để thương lái ép giá nông dân. Tương tự con tôm ở ĐBSCL cũng thế, nếu để thương lái đến ép giá thì nông dân chịu thiệt. “Nông dân không thể đứng ra đàm phàm với thương lái. Phải có người đứng ra làm điều đó cho nông dân, đó là các hợp tác xã-HTX, các tổ liên kết sản xuất”, đồng chí Nguyễn Thiên Nhân nêu. Mà muốn bán hàng có giá cao, không bán cho người này thì bán cho người kia.. thì nhất định phải có thương hiệu sản phẩm, phải có tổ chức tiêu thụ. Cũng chỉ khi có HTX thì nông dân mới được hỗ trợ để ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất cho năng suất cao. HTX phải có kỹ sư nông nghiệp học hành bài bản, có người học thương mại để lo vấn đề tiêu thụ. Đăng ký thương hiệu cho thanh long để xuất khẩu. “Bình Thuận và Long An là 2 tỉnh có sản lượng thanh long lớn nhất ngồi lại với nhau để bàn việc xuất khẩu thăng long, tránh tình trạng phá giá nhau”, ông Nhân gợi ý.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục