Không để xảy ra ô nhiễm từ sự cố tàu chở hóa chất mắc cạn

Đại tá Phạm Văn Tỵ cho biết, đây là sự cố chưa từng có tiền lệ xảy ra tại Việt Nam, nên Chính phủ rất quan tâm và đề nghị các đơn vị liên quan phải hết sức cẩn trọng, không để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường. 

Tối 13-6, thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) do đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và các đơn vị liên quan về tình hình triển khai công tác cứu hộ tàu vận tải Chemroad Journey bị mắc cạn gần huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận hôm 10-6.

Đại tá Phạm Văn Tỵ cho biết, đây là sự cố chưa từng có tiền lệ xảy ra tại Việt Nam, nên Chính phủ rất quan tâm và đề nghị các đơn vị liên quan phải hết sức cẩn trọng, không để xảy ra sự cố, gây ô nhiễm môi trường. Tại buổi làm việc, đại tá Phạm Văn Tỵ yêu cầu đại diện Công ty Cổ phần Đại lý vận tải High Sea (TPHCM), đơn vị được chủ tàu gặp nạn chỉ định làm dịch vụ đại lý để kết hợp với Công ty Nippon Salvage-Japan thực hiện công tác cứu nạn tàu gặp nạn, cần phải báo cáo thực trạng của con tàu ở thời điểm hiện tại và số lượng, chủng loại hóa chất có trên tàu để các đơn vị liên quan có phương án ứng cứu phù hợp nếu sự cố tràn hóa chất xảy ra.

Đại tá Phạm Văn Tỵ yêu cầu công tác cứu hộ tàu gặp nạn cần cẩn trọng, không để xảy ra ô nhiễm môi trường

Báo cáo tình hình hiện tại, ông Châu Quốc Huân, Phó Giám đốc Công ty High Sea cho biết, sáng 13-6, 2 chuyên gia người nước ngoài đã lặn xuống con tàu gặp nạn để kiểm tra thì phát hiện ¼ mũi tàu bị mắc cạn trên đá, vỏ ngoài con tàu bị rách một số nơi, có nước tràn vào, hàng hóa trên tàu vẫn an toàn.

Đưa ra các phương án để cứu hộ tàu gặp nạn, dại diện phía chủ tàu cho biết, trong ngày 14-6, khi chiếc tàu kéo trọng tải hơn 10.000 mã lực do phía Công ty Nippon Salvage-Japan được điều qua, lực lượng cứu hộ sẽ thử kéo con tàu gặp nạn. Trong trường hợp không kéo được, đơn vị này đưa ra phương án di chuyển hàng hóa trên tàu và bơm bớt nước bị tràn vào mũi tàu rồi tiếp tục kéo lại.

“Chúng tôi sẽ xây dựng các phương án cứu hộ, sau đó trình các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định rồi mới thực hiện” - Đại diện Công ty High Sea cho biết.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, do tàu gặp nạn chở hóa chất nên phương án chuyển tải để cứu hộ tàu phải hết sức cận trọng, tránh để xảy ra sự cố, gây ô nhiếm môi trường.

Dự kiến khoảng 12 giờ trưa 14-6, đoàn công tác Ủy ban quốc gia TKCN cùng các đơn vị liên quan sẽ có mặt trên con tàu gặp nạn để khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ nhất.

- Tàu chở 2.000 tấn dầu mắc cạn gần đảo Phú Quý có nguy cơ tràn dầu

Tin cùng chuyên mục