Không điều chuyển cơ học giáo viên phổ thông dôi dư sang dạy mầm non

* Phóng viên:

Việc đào tạo lại hơn 26.000 giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non đang khiến xã hội có nhiều ý kiến lo lắng. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đơn vị được Bộ GD-ĐT giao xây dựng khung chương trình đào tạo lại giáo viên phổ thông dôi dư để dạy mầm non về vấn đề này.

Không điều chuyển cơ học giáo viên phổ thông dôi dư sang dạy mầm non ảnh 1

GS Nguyễn Văn Minh

* Phóng viên: Thưa ông, việc đào tạo lại hơn 26.000 giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non xuất phát từ đâu?

* GS Nguyễn Văn Minh: Hiện nay, nước ta dôi dư khoảng hơn 26.000 giáo viên bậc phổ thông nhưng lại thiếu tới khoảng 32.000 giáo viên bậc mầm non. Trước tình thế này, một số địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chỉ trong 5-6 tuần để chuyển giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non. Sau khi có tình hình này, Bộ GD-ĐT đã họp với các trường sư phạm để trao đổi. Chúng tôi thống nhất cho rằng việc này có thể nảy sinh nhiều bất cập. Bậc mầm non là bậc học đầu đời, có vai trò cực kỳ quan trọng nên người giáo viên mầm non cần phải được đào tạo kỹ lưỡng.

Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị với các trường sư phạm và giao cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội soạn thảo khung chương trình văn bằng 2 để đào tạo lại các giáo viên dôi dư chuyển dạy mầm non. Sở dĩ bộ đề nghị như vậy vì từ nhiều năm nay, chương trình đào tạo sư phạm có tới 70% đã được các trường dùng chung. Khi giao nhiệm vụ cho trường, bộ cũng đã đứng ra mời các chuyên gia vào hội đồng tư vấn để góp ý cho chương trình văn bằng 2 để đào tạo lại các giáo viên dôi dư. Sau đó chúng tôi xây dựng, tiếp thu các góp ý, có hội đồng thẩm định và cuối tháng 2, trường đã ban hành chương trình văn bằng 2 để đào tạo lại các giáo viên dôi dư. Thẩm quyền xây dựng, ban hành chương trình đào tạo là của trường. Nhưng vì đây là chương trình dùng chung cho các trường sư phạm trong toàn quốc nên tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn để các trường sử dụng.

* Thưa ông, việc đào tạo lại hàng chục ngàn giáo viên phổ thông dôi dư để dạy mầm non sẽ có khó khăn gì cho các trường sư phạm, liệu có quá tải?

* Đây không phải là đào tạo tập trung ở một số trường sư phạm, vì các trường sẽ không thể đủ điều kiện, cơ sở vật chất để đào tạo hàng loạt như vậy, mà sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm. Ví dụ tỉnh A có 100 giáo viên dư thừa cần đào tạo lại dạy mầm non thì họ phải có kế hoạch để phối hợp với các trường sư phạm để triển khai. Việc đào tạo lại này cũng phải có nguyên tắc để bảo đảm yêu cầu chất lượng. Dù đây là phương án tình thế nhưng phải làm chặt chẽ, không sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ.

Chương trình được chúng tôi xây dựng dựa trên thực tế là hầu hết các thầy cô thuộc đối tượng này đều là những người được đào tạo từ hệ thống các trường sư phạm. Thông thường, các thầy cô học ở đại học có thể học từng môn riêng, còn các thầy cô học ở cao đẳng thì có thể học ngành ghép… Tuy nhiên, đặc điểm của các trường sư phạm là có những môn chung như tâm lý, tâm lý học lứa tuổi, giáo dục học… Trên cơ sở này, chúng tôi đã đem từng chương trình ra phân tích xem đối với từng đối tượng học các ngành học khác nhau thì đã có những môn nào, còn thiếu những môn nào so với chương trình cao đẳng, đại học mầm non. Kết quả chương trình được xây dựng với tối đa 54 tín chỉ. Các trường sư phạm sẽ phải kiểm tra đầu vào rất cụ thể cho từng người học, nghĩa là xét hồ sơ đến từng người học để xếp các môn phải học và môn được miễn giảm. Ngoài ra, các trường cũng sẽ phải kiểm tra những năng khiếu cơ bản nhất như múa, hát hay kể chuyện.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn trường được giao nhiệm vụ đào tạo lại các giáo viên này kiểm tra chặt chẽ đầu vào. Ngoài tinh thần tự nguyện đào tạo lại để dạy mầm non của các giáo viên, chúng ta cũng cần bảo đảm các yêu cầu thực tế. Ví dụ một người không biết múa, hát thì không thể làm giáo viên mầm non. Vừa không tự nguyện, vừa không biết múa hát thì không thể dạy mầm non được, có thể làm hỏng cả thế hệ. Quan điểm của chúng tôi là mặc dù đây là chính sách nhân văn nhưng không vì thế mà hạ chuẩn. Tóm lại, sẽ không thể điều chuyển một cách cơ học giáo viên phổ thông dôi dư sang dạy mầm non. Chỉ những ai đủ điều kiện và tự nguyện tham gia mới đào tạo, chứ không làm bằng mọi giá.

* Khi các giáo viên này chuyển sang dạy mầm non thì họ hưởng lương ra sao, thưa ông?

* Họ hưởng lương đại học vì họ học văn bằng 2 đại học. Giáo viên phổ thông thì họ cũng đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nay học thêm văn bằng 2 đại học thì lương họ được hưởng tương đương bậc đào tạo. Hiện tại, chúng ta đang hướng đến xây dựng chuẩn giáo viên mầm non là tốt nghiệp bậc cao đẳng, đại học.

* Thưa ông, liệu các giáo viên phổ thông được đào tạo lại với 54 tín chỉ thì có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng?

* Mặc dù là khung chương trình văn bằng 2 nhưng thực tế là xây dựng trên cơ sở thực hành, thời lượng thực hành của chương trình rất cao so với chương trình thông thường với mục đích các giáo viên ra trường có thể làm được việc ngay. Với các chương trình đại học thì tỷ lệ thực hành chỉ chiếm khoảng 25%, nhưng với chương trình mà chúng tôi thiết kế thì thời lượng thực hành gấp 1,5 lần thời lượng học lý thuyết, cứ 4 buổi học lý thuyết thì có 6 buổi học thực hành.

* Theo ông, tại sao lại có tình trạng dư thừa giáo viên phổ thông và thiếu giáo viên mầm non trầm trọng như vậy? Để hạn chế tình trạng này, đâu là giải pháp khắc phục?

* Tình trạng dư thừa theo tôi chủ yếu trách nhiệm ở các địa phương, liên quan đến việc bố trí. Nhưng tôi cũng cho rằng, câu chuyện dư thừa giáo viên có nguyên nhân từ việc dự báo. Trước tình trạng thừa thiếu giáo viên vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án khắc phục. Đích thân tôi làm đề tài này, tháng 4 này sẽ xong để báo cáo Bộ GD-ĐT. Nghiên cứu của tôi bao gồm cả điều tra dân số, độ tuổi, cần bao nhiêu giáo viên ở các địa phương của từng bậc học, phương án sắp xếp lại các trường sư phạm... Từ đó, sẽ đưa ra đề xuất đến năm 2025 cần bao nhiêu giáo viên để tiến hành đào tạo đúng nhu cầu, đúng địa chỉ. Chỉ khi đào tạo đúng nhu cầu, đúng địa chỉ thì chúng ta mới không để tình trạng thừa thiếu giáo viên.

* Xin cảm ơn ông!

LÂM NGUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục