Không dung túng việc tái lập mặt đường cẩu thả

Người đi đường bức xúc khi thấy rất nhiều tuyến đường ở TPHCM bị đào lên làm công trình ngầm, rồi tái lập cẩu thả, để lại vết oằn lún, chênh với mặt đường, không đảm bảo an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, khiến toàn bộ mặt đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. 

Không thể nghiệm thu dễ dãi

Cách nay 3 tháng, Sở GTVT TPHCM đã tước giấy phép thi công đối với Công ty Điện lực Sài Gòn do tái lập mặt đường cẩu thả gây mất an toàn giao thông, sau khi sửa chữa thay thế các đoạn cáp ngầm cũ thuộc tuyến cáp do Công ty Điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP như Phạm Ngũ Lão, Lý Thái Tổ, Nguyễn Thái Học… Cùng với việc thu hồi giấy phép thi công, Sở GTVT TPHCM còn kiểm tra chất lượng tái lập mặt đường các công trình do Công ty Điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư để xử phạt theo quy định đối với những trường hợp sai phạm. Sở GTVT TPHCM giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ từ chối tiếp nhận hồ sơ đề xuất cấp phép thi công các công trình do Công ty Điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư đến khi khắc phục các tồn tại liên quan đến tái lập mặt đường. 

Không dung túng việc tái lập mặt đường cẩu thả ảnh 1 Mặt đường tái lập cẩu thả, ảnh hưởng an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Ảnh: MINH THANH
Đó là biện pháp mạnh của Sở GTVT TPHCM để chấn chỉnh tình trạng các đơn vị thi công công trình ngầm đào xới đường rồi tái lập mặt đường cẩu thả, oằn lún. Thế nhưng, gần đây một số con đường vẫn bị đào lên và tái lập không đúng kỹ thuật. Hầu hết mặt đường ở TPHCM tráng bằng bê tông nhựa, nếu đào lên rồi san lấp, tái lập cẩu thả sẽ gây chênh mặt đường, đọng nước mưa và thấm xuống lớp kết cấu phía dưới, làm giảm độ bền cũng như độ kết dính các vật liệu, lan rộng ra xung quanh nên mặt đường nhanh xuống cấp. Các đơn vị đào và tái lập mặt đường thường là đơn vị thi công lắp đặt công trình ngầm như điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp nước, thoát nước… Chủ đầu tư là các đơn vị quản lý chuyên ngành nhiều khi thiếu quan tâm giám sát, do vậy dễ xảy ra tình trạng đơn vị thi công, tái lập mặt đường sơ sài, không đảm bảo chất lượng theo quy định. 

Giải pháp căn cơ

Không ít tuyến đường mới được tráng nhựa phẳng phiu chưa bao lâu lại bị đào lên thi công. Cụ thể, đường Nguyễn Thái Học mới nâng cấp thảm nhựa chỉ được một năm, Công ty Điện lực Sài Gòn đã đào đặt cáp ngầm. Tình trạng đó cho thấy, thiếu sự phối hợp giữa ngành giao thông và các đơn vị quản lý chuyên ngành có công trình ngầm. Chưa có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ khâu lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công. Trên cùng tuyến đường có quá nhiều đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật. Điều đáng nói, mỗi nơi làm mỗi kiểu, khác thời điểm, hết đơn vị này tới đơn vị kia, cứ có nhu cầu là lập hồ sơ xin cấp phép thi công đào đường với lý do cấp thiết. Chưa kể tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tái lập mặt đường không đúng nguyên trạng, bộ phận giám sát mỗi nơi khác nhau và nhiều khi thiếu kinh nghiệm chuyên ngành.

Thực tế, không ít đơn vị vi phạm, thậm chí tái phạm nhiều lần vì chưa có chế tài đúng mức để ràng buộc trách nhiệm. Theo quy định, mức xử phạt không hoàn trả mặt đường đúng nguyên trạng chỉ từ 1 - 3 triệu đồng với cá nhân, phạt từ 2 - 6 triệu đồng với tổ chức. Như vậy là quá ít so với giá trị thi công con đường có khi lên đến nhiều tỷ đồng. 

Chấn chỉnh tình trạng đào đường, chậm tái lập hoặc tái lập không đảm bảo chất lượng trước hết là trách nhiệm của đơn vị thi công, giám sát, chủ đầu tư. Kế đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý ngành kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Thanh tra Sở GTVT TPHCM cần tăng cường kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm. Đình chỉ thi công nếu có dấu hiệu gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường; kiến nghị không cấp phép cho đơn vị tái phạm. Về lâu dài, cần chế tài đủ mạnh bằng cách tăng mức phạt lên nhiều lần so với hiện nay. Trước khi cấp phép, buộc cá nhân và tổ chức xin cấp phép phải ký quỹ tương ứng khoản chi phí chậm trễ và tái lập cẩu thả, sau đó sẽ được hoàn trả lại nếu không vi phạm. Ngược lại, nếu tái lập mặt đường không đảm bảo thì cơ quan chức năng lấy khoản chi phí này để kịp khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông.

Với các dự án trọng điểm, cần có chế tài đối với chủ đầu tư để tăng cường trách nhiệm quản lý và điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhằm rút ngắn thời gian thi công, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, xem xét trách nhiệm bồi thường nếu gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Cần có đơn vị làm đầu mối đầu tư xây dựng hào kỹ thuật để cho thuê, ngầm hóa các công trình hạ tầng. Theo đó, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng thì trả phí, giống như nước ngoài, để tránh đào đi đào lại nhiều lần trên cùng tuyến đường.

Tin cùng chuyên mục