Không được chủ quan, lơ là

11 tỉnh, thành xuất hiện cúm gia cầm
Không được chủ quan, lơ là

Dịch cúm gia cầm áp sát biên giới

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất nguy hiểm và phức tạp. Trong nước, nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, lan rộng đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân. Một số trường hợp đã mắc và tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1 và H1N1. Trong khi đó, ở Trung Quốc, virus cúm gia cầm H7N9 không ngừng gia tăng làm nhiều người bị nhiễm và một số người đã tử vong. Tại các địa phương giáp biên giới Việt Nam, nguy cơ virus cúm nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta rất cao. Để làm rõ hơn các vấn đề trên, chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

PGS-TS Trần Đắc Phu

PGS-TS Trần Đắc Phu

- Phóng viên: Thưa ông, số người mắc và tử vong do nhiễm cúm A/H7N9 ở Trung Quốc không ngừng gia tăng. Điều này có ảnh hưởng tới Việt Nam?

>> PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng cao so với năm 2013. Đến nay, ở Trung Quốc đã có trên 330 người mắc virus cúm nguy hiểm này với hàng chục ca tử vong. Đáng lo hơn, dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc tiếp tục lan rộng tại một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây là địa phương giáp với biên giới Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đã áp sát biên giới nước ta và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, bởi lẽ hiện có nhiều người đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa tại các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với địa phương trên của Trung Quốc.

Ngoài ra, tại Trung Quốc cũng đã có một số trường hợp mắc cúm A/H8N10 đều do tiếp xúc với gia cầm và chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã thông báo về trường hợp mắc cúm A/H6N1 đầu tiên ở người và virus cúm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng làm chết nhiều gia cầm... Đây cũng là những virus cúm nguy hiểm đang rình rập và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Do vậy, nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, phòng chống quyết liệt thì dịch sẽ xâm nhập và bùng phát.

- Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay sau hơn một năm virus cúm A/H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc, chúng ta vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc virus cúm này?

Đúng là hiện nay việc Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào là một cố gắng lớn, nhưng điều này không cho phép chúng ta được chủ quan, lơ là trước các mối nguy hiểm của các chủng virus cúm đang đe dọa. Hiện nay thời tiết đang vào mùa đông xuân, mưa ẩm nhiều là điều kiện thuận lợi để các chủng virus cúm phát triển. Đặc biệt, đối với virus H7N9 là virus cúm gây dịch trên đàn gia cầm nhưng virus này lại khó phát hiện hơn virus cúm A/H5N1, gia cầm nhiễm virus cúm A/H7N9 thường không có biểu hiện bệnh nên khó phát hiện. Tuy nhiên, khi virus cúm A/H7N9 lây bệnh sang người lại chuyển biến nặng dễ gây tử vong. Đáng chú ý, hầu hết các ca mắc và tử vong do cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Trong khi đó, hiện nay tình trạng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới phía Bắc vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, khiến nguy cơ gia cầm nhiễm virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam và lây lan bùng phát thành dịch rất cao.

- Về tình hình dịch cúm trong nước hiện nay ra sao, thưa ông?

Cùng với việc phải đối phó với nguy cơ dịch cúm A/H7N9, H8N10… xâm nhập vào nước ta thì ở trong nước, tình hình dịch cúm trên người và trên gia cầm cũng đang có những diễn biến đáng lo ngại. Ngoài việc ghi nhận 2 ca tử vong ở người do nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Bình Phước sau khi tiếp xúc với gia cầm bệnh thì chúng ta cũng đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 và một số trường hợp bị nhiễm đang được điều trị. Từ đầu năm 2014 đến nay cũng đã có nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa thông thường nhưng trong tình trạng nặng phải nhập viện điều trị. Đối với cúm gia cầm, Cục Thú y đã ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại một số địa phương, như: Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An... Hơn nữa, qua giám sát của cơ quan thú y có gần 7% số mẫu có dương tính với cúm A/H5N1, nhất là ở đàn vịt chạy đồng ở khu vực Nam bộ và trên 60% gia cầm tại các điểm chợ lấy mẫu có dương tính với virus H5N1. Ngoài ra, tình hình cúm gia cầm H5N1 ở Campuchia, khu vực biên giới sát với vùng ĐBSCL cũng rất phức tạp.

Trước những nguy cơ trên, hiện nay ở trong nước vẫn còn tình trạng người dân chăn nuôi gia cầm, vịt thả đồng và buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm sống không qua kiểm dịch. Đồng thời như đã nói ở trên, hiện nay do thời tiết đông xuân, mưa ẩm là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Đây là những yếu tố nguy cơ cao làm bùng phát các ổ dịch cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm, thủy cầm và có thể lây bệnh sang người.

- Nhiều chủng virus cúm đang đe dọa sức khỏe cộng đồng, liệu có xảy ra nguy cơ virus biến đổi hoặc tái tổ hợp thành chủng virus mới có độc lực cao hơn không, thưa ông?

Qua theo dõi giám sát cả của thế giới và Việt Nam hiện nay chưa có chủng cúm mới xuất hiện. Tuy nhiên, virus cúm bản chất là có độc lực, có tính đột biến và thích nghi cao với 2 kháng nguyên chính là H và N nên có thể tái tổ hợp, tạo ra rất nhiều chủng khác nhau. Virus chứa H5, H7, H9 thuộc nhóm có độc lực cao. Hơn nữa, chủng virus cúm tồn tại lâu và không thể tiêu diệt. Con người buộc phải chung sống và thích ứng với chúng. Do vậy đòi hỏi chúng ta luôn phải giám sát và theo dõi chặt chẽ để có những biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả nếu virus cúm tái tổ hợp thành chủng cúm mới.

- Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm cũng như cúm trên người, ông có khuyến cáo gì với người dân?

Để chủ động phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Thực hiện ăn chín uống sôi và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y và cơ quan y tế trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời… Ngoài ra, hiện nay trước dịch cúm A/H7N9 lan rộng, mặc dù WHO chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế việc đi lại và giao lưu thương mại nhưng đã có khuyến cáo khách du lịch đến khu vực có ổ dịch không nên tiếp xúc với gia cầm và không nên đến các chợ buôn bán gia cầm sống.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN QUỐC (thực hiện)

11 tỉnh, thành xuất hiện cúm gia cầm

(SGGP).-Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Theo thông báo mới nhất từ Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 9 địa phương trong cả nước, gồm: Khánh Hòa, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau và Phú Yên. Ngoài ra, tại tỉnh Bạc Liêu và TP Cần Thơ, dịch cúm gia cầm đã tái bùng phát.

Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ đang cử cán bộ, nhân viên đến các địa phương có dịch cúm gia cầm tại huyện Phong Điền rà soát, lập danh sách theo dõi sức khỏe những người có tiếp xúc với gia cầm bệnh để có phương án ứng phó kịp thời với tình huống xấu xảy ra. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để hướng dẫn cách phòng chống cúm gia cầm lây lan sang người.

10 tỉnh, thành ở ĐBSCL thuộc vùng quản lý của cơ quan thú y vùng VII (trừ Bến Tre, Long An, Tiền Giang) có đàn gia cầm gần 40 triệu con. Trong đó, đàn gà hơn 16,7 triệu con, tỷ lệ tiêm phòng 40%-50%; đàn vịt gần 21,4 triệu con, khoảng 70%-80% được tiêm phòng.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục