Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 5: Thu hồi, trả lại không gian cho người dân

Hủy bỏ các hợp đồng cho thuê trái quy định, trả lại không gian sinh hoạt cho người dân và khôi phục môi trường trong sạch, an toàn cho sinh viên, học viên, thanh thiếu niên... là việc làm không thể chậm trễ. “Bao giờ trả lại không gian công cộng cho người dân?” PV Báo SGGP đã đặt câu hỏi này với đơn vị chủ quản, cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị vi phạm để tìm câu trả lời.  

 TS NGUYỄN HẢI ĐĂNG, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Khởi kiện để thu hồi đất cho thuê

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là cơ quan quản lý trực tiếp đối với Phân viện Thanh thiếu niên Miền Nam. Quan điểm nhất quán của học viện là thu hồi đất cho thuê trái quy định và đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu phân viện chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại mặt bằng cho thuê. Phân viện không chỉ ban hành văn bản yêu cầu mà nhiều lần làm việc trực tiếp với bên thuê để thanh lý hợp đồng, sớm thu hồi mặt bằng. Sau 2 năm đưa ra yêu cầu, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng bên thuê đất vẫn cố tình chiếm giữ, không trả lại mặt bằng. Trước tình trạng này, học viện đã chỉ đạo lãnh đạo phân viện tiến hành các thủ tục tố tụng, khởi kiện bên thuê để đòi lại mặt bằng. Đến thời điểm này, TAND TP Thủ Đức thụ lý và đã đưa ra xét xử 5 vụ. Phân viện đã thu hồi hơn 2.000 m2 đất cho thuê trái phép. Học viện tiếp tục đôn đốc phân viện tích cực làm việc với phía tòa án để sớm đưa các vụ kiện còn lại ra xét xử, thu hồi lại toàn bộ mặt bằng đã cho thuê.  

Một góc Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức đã được cho thuê làm khu sản xuất cấu kiện bê tông
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Đang tính nhiều phương án điều chỉnh

Khi Liên đoàn Lao động TPHCM tiếp quản, Cung Văn hóa Lao động TPHCM đã có 8 sân tennis hiện hữu. Ý thức được nhu cầu của người lao động, Liên đoàn Lao động TPHCM từng bước thu hẹp số sân tennis và cải tạo thành sân bóng đá mini để người lao động dễ tiếp cận hơn. Đến nay đã cải tạo 2 sân, Cung Văn hóa Lao động TPHCM hiện còn 6 sân tennis, sẽ được tiếp tục cải tạo trong thời gian tới.

Trong khi đó, CLB Đoàn viên đã trở thành điểm đến của nhiều công đoàn viên, nhất là các buổi tiệc liên hoan, gặp gỡ của các công đoàn cơ sở chứ không chỉ là nơi phục vụ khách nhậu. Các dịch vụ, đồ ăn, thức uống cũng được giảm giá từ 5-10%. Riêng tiệc cưới của công đoàn viên sẽ được khuyến mãi một số dịch vụ. Đặc biệt, đám cưới tập thể sẽ được giảm 50% tiền ăn và miễn phí bia, nước ngọt, nhưng đến nay vẫn chưa làm được đám cưới tập thể nào. Chương trình này được áp dụng từ trước đến nay.

Đại diện UBND quận 6, TPHCM: Đang chờ tòa án giải quyết

Từ năm 1999, Trung tâm Văn hóa quận 6 quản lý Công viên Phú Lâm, được tổ chức các hoạt động tại đây để phục vụ người dân và thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Lúc đó, Trung tâm Văn hóa quận 6 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ văn hóa Việt Ý (Công ty Việt Ý) với thời hạn 22 năm. Nhà hàng tiệc cưới Sun Palace hình thành, hoạt động trong công viên Phú Lâm từ đó.

Sau này, Nhà hàng tiệc cưới Sun Palace không được phép hoạt động trong công viên Phú Lâm. Yêu cầu chấm dứt hợp đồng với Công ty Việt Ý cũng được Thanh tra TPHCM kết luận. Sau nhiều lần thương lượng thu hồi mặt bằng không được, Trung tâm Văn hóa quận 6 có thông báo chấm dứt hợp đồng với Công ty Việt Ý, từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, Công ty Việt Ý vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng, vì cho rằng chưa được bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. 

Sau đó, Trung tâm Văn hóa quận 6 khởi kiện Công ty Việt Ý ra TAND quận 6, đề nghị tuyên bố chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa 2 đơn vị. TAND quận 6 đã thụ lý và có quyết định đưa vụ kiện ra xét xử ngày 21-10-2019. Tuy nhiên, Công ty Việt Ý đề nghị TAND quận 6 chuyển hồ sơ vụ kiện lên TAND TPHCM thụ lý để đảm bảo tính khách quan và đề nghị này được chấp thuận. Vụ án vẫn chưa được xét xử, nên địa phương vẫn chưa thu hồi được mặt bằng. Vì thế, Nhà hàng Sun Palace vẫn còn tồn tại trong công viên Phú Lâm.

Ông BÙI VĂN HIẾU, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM: Tháo dỡ công trình không phù hợp khỏi công viên

Ngày 25-1-2021, UBND TPHCM có quyết định 312 phê duyệt chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030. Quyết định yêu cầu rà soát toàn bộ công trình chiếm dụng mặt bằng các công viên hiện hữu và lập danh mục công trình có chức năng không phù hợp với chức năng công cộng để lập kế hoạch tháo dỡ, di dời, trả lại hiện trạng công viên. Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện đối với các công viên quy mô lớn. Nhiệm vụ này do UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) thực hiện. 

Cùng với đó là việc lập phương án sử dụng tổng mặt bằng làm cơ sở tổ chức xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, kêu gọi đầu tư, đấu giá các dịch vụ khai thác phù hợp với tình hình, nhu cầu của xã hội và kiểm soát việc khai thác sử dụng mặt bằng công viên. Đối với những phần khai thác không đúng chức năng thì tổ chức thu hồi.

Hiện nay, các công viên theo diện tích được phân cấp quản lý cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật không phát sinh tình trạng phá tường, mở kiốt cho thuê kinh doanh mua bán hoặc tự ý mở các dịch vụ kinh doanh trong công viên. Tại một số công viên tồn tại tình trạng người dân sử dụng lối đi chung của công viên do lịch sử để lại, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đang từng bước giải quyết và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Mặt khác, hành vi thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng có thể xem xét xử lý hành chính theo Nghị định 16/2022 xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, mức xử phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Căn cứ theo Quy chế phối hợp quản lý xây dựng trên địa bàn TPHCM (ban hành kèm theo Quyết định 30/2019 của UBND TPHCM), UBND cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý các công trình xây dựng không có giấy phép theo quy định.

Tin cùng chuyên mục