Không hoàn thành mục tiêu 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải

TPHCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ có 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, các mục tiêu này đều không đạt bởi chỉ có 50% khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải và 13% nước thải đô thị được xử lý.

Thành phố có 42 dự án khu dân cư có diện tích 20ha trở lên. Đến năm 2015, mới có 10/20 dự án đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ 50% có xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Như vậy chỉ có khoảng 50% khu đô thị mới đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Theo quy hoạch thoát nước, toàn thành phố có 12 lưu vực thu gom nước thải sinh hoạt và 12 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đến nay, mới chỉ có một nhà máy hoàn thành giai đoạn 1 đó là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, công suất 141.000m³/ngày đêm. Lưu vực thu gom của Nhà máy Bình Hưng bao gồm các quận 1, 3, 5, 8, lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé; Kênh Đôi - Kênh Tẻ. Mặt khác, hiện mới chỉ có 6 nhà máy đang trong quá trình thực hiện các thủ tục, cũng như giải phóng mặt bằng bao gồm lưu vực Bắc Sài Gòn II, lưu vực Nam Sài Gòn, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực rạch Cầu Dừa, lưu vực Bình Tân. Tổng số 6 nhà máy này thu gom nước thải trên một lưu vực thoát nước chiếm khoảng 90% diện tích đô thị hiện hữu.

Được biết, thành phố đã đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000m³/ngày đêm, sử dụng công nghệ hồ sinh học, thu gom và xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm rộng 785ha, xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh của khoảng 120.000 người dân trong khu vực. Song, đến hết năm 2015, Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với tổng công suất 171.000m³/ngày chỉ xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên toàn địa bàn thành phố. Như vậy, mục tiêu 90% khu đô thị mới, 50% khu dô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung không đạt được.

Thực tế này được thành phố lý giải là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và việc đầu tư các công trình xử lý nước thải tập trung đô thị phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài. Do đó, việc nâng công suất Nhà máy Bình Hưng và đầu tư Nhà máy xử lý nước thải tập trung Thạnh Mỹ Lợi đến năm 2015 không hoàn thành kịp, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Thêm vào đó, mặc dù các dự án khu đô thị mới đều đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, hầu hết đều không thực hiện đầy đủ việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải do các chủ đầu tư né tránh, đối phó với các cơ quan chức năng. Một số dự án xây dựng trước khi có quy định bắt buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mặt khác, các chủ đầu tư luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm môi trường thường kéo dài, giãn tiến độ đầu tư xây dựng công trình xử lý môi trường.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kể trên, UBND TPHCM đã yêu cầu Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố triển khai đúng tiến độ các công trình thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung, kêu gọi đầu tư vào các công trình thu gom và xử lý nước thải đô thị. Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường; bắt buộc các khu đô thị mới có diện tích từ 20ha trở lên phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra môi trường.

Có thể thấy rằng, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, thế nhưng, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan mà công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường quyết liệt hơn nữa, mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Có như vậy, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố mới được cải thiện.

HỒNG HÀ

Tin cùng chuyên mục