Không học vẫn có điểm!

Theo quy định trong Điều lệ trường THPT, việc đánh giá học sinh phải đảm bảo yêu cầu chính xác, toàn diện, công bằng, khách quan, công khai; học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thì được dự thi tốt nghiệp…

Theo quy định trong Điều lệ trường THPT, việc đánh giá học sinh phải đảm bảo yêu cầu chính xác, toàn diện, công bằng, khách quan, công khai; học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thì được dự thi tốt nghiệp…

Quy định chặt chẽ như thế, nhưng có một học sinh học lớp 12 ở Trường THPT Bình Chánh TPHCM, dù không học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh nhưng vẫn được cho điểm và nghiễm nhiên được tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 mới đây. Đó là trường hợp của em Tr.Đ.Ph. Theo phản ánh của thầy Lê Minh Hồng, giáo viên dạy môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, suốt năm học 2014-2015, em Ph. không học bất cứ một giờ học nào và bỏ cả kiểm tra. Mặc dù giáo viên bộ môn này và giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng em Ph. vẫn bỏ học.

Trước sự việc học sinh tự ý bỏ học môn học bắt buộc này, thầy Hồng đã báo cáo với Ban Giám hiệu Trường THPT Bình Chánh. Thế nhưng lạ thay, dù không học, không kiểm tra và điểm tổng kết môn Giáo dục quốc phòng - an ninh cho cả hai học kỳ bị bỏ trống, nhưng em Tr.Đ.Ph. vẫn có danh sách tham gia kỳ thi THPT quốc gia như những học sinh khác. Để Ph. có đủ điều kiện tham gia kỳ thi THPT quốc gia, bảng điểm của em đã được “tự động” gắn điểm trung bình môn Giáo dục quốc phòng - an ninh là 5,1. Ai đã tự ý cho điểm và giả chữ ký của giáo viên phụ trách bộ môn này? Quá bức xúc, thầy Hồng đã gửi đơn khiếu nại đến Ban giám hiệu nhà trường và Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM, để làm rõ sự việc nghiêm trọng này. Nhưng đến giờ này, học sinh Tr.Đ.Ph. đã tốt nghiệp ra trường, chuẩn bị bước vào bậc học cao hơn, song sự việc gian lận, cho điểm khống như nêu trên vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều giáo viên ở ngôi trường này cũng có chung bức xúc và đòi hỏi sự thật cần được thanh tra, xử lý.

Chúng ta đang dạy học sinh sự trung thực, tôn trọng thầy cô giáo. Vì thế, khi thấy học sinh có thái độ xem thường môn học, nhất là các môn hay bị xem là môn phụ thì nhà trường phải chấn chỉnh ngay, đằng này lại “tiếp tay” cho điểm khống, bảo vệ cái sai. Liệu nhìn thấy sự bao che và thể hiện sự thiếu công bằng trong đánh giá kết quả học tập, những học sinh khác sẽ nghĩ gì về môi trường giáo dục?

Ngành GD-ĐT TPHCM nói riêng và cả nước đang tuyên chiến - nói không với bệnh thành tích. Thế nhưng, câu chuyện trên đây hàm chứa điều gì ngoài mục đích nhắm đến là thành tích? Đề nghị Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM sớm kiểm tra làm rõ vụ việc này.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục