Ông Matthew Lantz, chuyên gia về chính sách thương mại và rau quả nhiệt đới thuộc USAID STAR Plus (Mỹ) cho biết, 15% nguồn cung thực phẩm của Mỹ phải nhập từ các nước, trong đó, rau quả nhập đến 50% và thủy hải sản lên đến 80%. Việt Nam là một trong số 15 nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất sang Mỹ, riêng thủy sản ở tốp 5. Các sản phẩm thủy hải sản Việt Nam được người tiêu dùng Mỹ biết đến nhiều như cá tra, tôm các loại.
Ngoài ra nhiều mặt hàng khác như điều nhân, cà phê… được xuất nhiều nhất sang Mỹ. Đến hết tháng 11-2011, Việt Nam xuất khẩu 3,3 tỷ USD các mặt hàng nông sản sang Mỹ, chỉ sau nông sản Việt xuất khẩu vào Trung Quốc 4,5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là thị trường có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nhưng nhiều trang trại, nhà máy chế biến thủy sản ở Việt Nam đã được sự công nhận của FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ).
Theo đánh giá từ các chuyên gia Mỹ, sản phẩm thủy hải sản Việt Nam đã được người tiêu dùng nước này biết đến nhiều, các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đã chấp hành rất tốt các quy định của nhà nhập khẩu.
Tuy nhiên, với trái cây nhiệt đới của Việt Nam, dù độc đáo, đặc trưng nhưng chưa được biết đến nhiều. Hiện mới có thanh long, vải, nhãn… xuất khẩu. Như vậy có thể nói, trong các loại nông sản, rau quả là những mặt hàng còn có nhiều cơ hội để vào thị trường này nhờ tính độc đáo, nhất là quan hệ thương mại Việt – Mỹ đang phát triển mạnh. Giao thương giữa 2 nước gần đây tăng mạnh qua từng năm.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để nắm bắt cơ hội ở thị trường tiềm năng này, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh tiếp thị trực tiếp, lập kênh liên lạc qua các trang web, tham gia các hội chợ thương mại và cần làm việc với các nhà bán lẻ bán sản phẩm trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng.
Việt Nam đã xuất khẩu một số loại trái cây sang Mỹ như thanh long, chôm chôm, dừa và quả đầu lân. Ngoài ra, 2 loại trái cây khác là vải và nhãn đang trong quá trình tiếp cận thị trường này. Trong các loại trái cây, thanh long là mặt hàng đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, nhưng phản ánh từ các doanh nghiệp cho biết, do chưa có bộ tiêu chuẩn kiểm dịch riêng của thanh long đối với một số chỉ tiêu cho phép của FDA nên cơ quan này lung túng.
Ông Matthew Lantz thừa nhận, hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn trái thanh long vì Mỹ không trồng được loại trái cây này, cũng không thể áp dụng tiêu chuẩn của một loại trái nào cho thanh long. Tuy nhiên trong trường hợp trái thanh long cần phải đăng ký loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng với cơ quan bảo vệ môi trường ở Mỹ, thuộc nhóm dư lượng nào, được cho phép tối đa bao nhiêu… Nhưng để làm được điều này phải mất tới 15 tháng. Về lâu dài cơ quan quản lý hai nước cần hợp tác xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho thanh long.
Trong ngắn hạn, ông Andrew Stephens - Cố vấn thương mại cấp cao của USAID STAR Plus cho rằng, các doanh nghiệp cần nhờ tới các cơ quan quản lý của Việt Nam yêu cầu các cơ quan quản lý, kiểm tra của Mỹ đưa ra những bằng chứng thuyết phục hơn; không nên im lặng vì như vậy sẽ bị kiểm tra gắt gao hơn. Đặc biệt, đầu năm 2011 Chính phủ Mỹ sửa đổi Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
ĐĂNG LÃM