Không làm mà muốn có ăn


Đang cần tiền trả nợ, tiêu xài thì Mai Văn B (một thanh niên 20 tuổi ở Bến Tre) nảy ra ý định kiếm tiền: anh L có vợ đang bị giam, giờ lừa anh “chạy án treo” cho vợ với giá 50 triệu đồng. B nói mình là Công an Hà Nội, ba mẹ nuôi làm việc tại TPHCM, có thể lo được. 

B còn cung cấp nhiều hình ảnh còng tay, roi điện, cảnh phục… để anh L tin tưởng và chuyển tiền vào tài khoản của mình. Anh L không có nhiều tiền nên B giảm giá còn 30 triệu đồng. Năm ngày sau, B tới nhà đòi thêm 5 triệu đồng để “lo cho những người đưa vợ anh từ Bình Dương về”.

Chờ mãi mà không gặp được vợ, gia đình anh L mới nghĩ mình bị lừa và trình báo công an. B bị bắt, bị xử 1 năm 8 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. B kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì gia cảnh khó khăn. TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm, nhận định bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện, chỉ vì muốn có tiền tiêu xài mà không phải bỏ công sức lao động. Mức án như trên là phù hợp, thỏa đáng nên tòa tuyên y án sơ thẩm. 

Cũng sức dài vai rộng, hai thanh niên Đ và H chọn cách kiếm tiền là… đi cướp giật. Hai người chở nhau trên xe máy, giật chiếc điện thoại iPhone X của một phụ nữ trên đường ở quận Gò Vấp. Trên đường tháo chạy cả hai còn “tranh thủ” giật thêm hai chiếc dây chuyền 7,5 chỉ vàng và 41,5 chỉ vàng của một người đàn ông. Chạy chưa được bao xa thì cả hai tự tông vào xe hơi té lăn xuống đường, nháo nhào bỏ chạy, nhưng người dân đã ập tới tóm gọn giải lên công an. Các món đồ bị cướp có tổng trị giá gần 150 triệu đồng.

Cả hai bị xử 4 năm và 4 năm 6 tháng tù, liền kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng TAND TPHCM đã xét hành vi các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm trái phép đến tài sản của công dân mà còn xâm hại đến an toàn công cộng, có thể gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng người khác. Các bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái, bị luật pháp nghiêm cấm nhưng vì động cơ tư lợi nên vẫn cố ý vi phạm. Mức án được giữ nguyên. 

Một vị hội thẩm nhân dân tại TPHCM kể, trước phiên tòa, bà từng nhiều lần đặt câu hỏi cho các bị cáo, rằng ngoài kia có rất nhiều người tàn tật vẫn cố gắng từng ngày để mưu sinh bằng sức lao động của mình, vì sao các bị cáo vạm vỡ khỏe mạnh lại chỉ nghĩ đến chuyện lừa gạt, giựt dọc, lấy của người khác làm của mình? Nhưng đáp lại câu hỏi này, thường chỉ là sự im lặng… 

Tin cùng chuyên mục