Không mặc áo phao khi đi lại trên sông - Coi thường mạng sống chính mình

Ngày 15-7, Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân có hiệu lực. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo SGGP, trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện quy định về mặc áo phao tại một số bến phà, bến đò ở TPHCM chủ phương tiện và hành khách đi lại vẫn chưa chấp hành nghiêm.
Không mặc áo phao khi đi lại trên sông - Coi thường mạng sống chính mình

Ngày 15-7, Thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân có hiệu lực. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo SGGP, trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện quy định về mặc áo phao tại một số bến phà, bến đò ở TPHCM chủ phương tiện và hành khách đi lại vẫn chưa chấp hành nghiêm.

  • Thiếu và không mặc

Theo quy định tại Thông tư 15, kể từ ngày 15-7, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, phải bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng. Chủ phương tiện, thuyền viên, người lái chở khách ngang sông phải có trách nhiệm từ chối chuyên chở đối với những hành khách không mặc áo phao hoặc không sử dụng công cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn; đồng thời chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi.

Đối với hành khách, tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện trong việc thực hiện quy định về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.

Dù được chủ đò trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cá nhân nhưng hành khách đi lại tại bến đò Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn không chấp hành việc mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân.

Dù được chủ đò trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cá nhân nhưng hành khách đi lại tại bến đò Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn không chấp hành việc mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân.

Dù quy định là thế, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trưa 15-7, tại khu vực bến đò Bình Quới (quận Bình Thạnh) đa số hành khách đi đò chưa chấp hành việc mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân. Cụ thể, lúc 11 giờ chiếc đò mang số hiệu SG 6214 chở hành khách lưu thông qua sông, dù trên đò được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cá nhân phao cầm tay, cũng như ở ngay trên mái che của đò chủ phương tiện có treo băng rôn với nội dung “Thông tư 15 của Bộ GTVT quy định tất cả hành khách đi đò ngang sông bắt buộc phải cầm (đeo) dụng cụ nổi cứu sinh, áo phao”, nhưng khi hành khách bước lên đò, không ai chấp hành việc mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân.

Tương tự, tại Bến phà Cát Lái, một trong những bến phà có lượng hành khách qua lại đông và hoạt động ở khu vực có lòng sông rộng và có nhiều tàu lớn qua lại, nhưng việc mặc áo phao vẫn chưa được chủ phương tiện và hành khách đi lại quan tâm tới. Theo quan sát, trên các chuyến phà chỉ được trang bị hệ thống xuồng và phao cứu sinh, chứ không có hệ thống áo phao hoặc dụng cụ nổi cá nhân cho hành khách cầm, đeo. Anh Phan Văn Thắng, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Do đặc thù công việc kinh doanh buôn bán, nên mỗi ngày tôi phải đi lại qua phà Cát Lái 1-2 chuyến, nhưng không hề thấy chủ phà đưa áo phao cho mặc. Với lại nghĩ phà lớn như thế này sẽ đảm bảo an toàn nên cũng không mấy quan tâm đến việc mặc áo phao khi đi lại”.

  • Đình chỉ hoạt động phương tiện vi phạm

Bên cạnh việc yêu cầu mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân khi đi lại trên sông, Bộ GTVT cũng giao trách nhiệm cho Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương, Sở GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về trang bị, cũng như việc mặc áo phao áo phao, dụng cụ nổi cá nhân của hành khách khi đi lại trên các phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVT TPHCM) cho biết, để thực hiện quy định về trang bị và sử dụng phao áo cứu sinh, dụng cụ nổi trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông theo tinh thần Thông tư 15 của Bộ GTVT, ngày 6-7 Sở GTVT đã tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền tới tận các chủ phương tiện thủy nội địa, các đơn vị liên quan về những quy định của thông tư. Theo đó, đối với những bến đò không tuân thủ các quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật liên quan. Do trong những ngày đầu mới thực hiện, chủ phương tiện và hành khách chưa quen nên có một số đơn vị chưa chấp hành và lực lượng thanh tra chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt. Sau một vài ngày, sở sẽ tổng hợp danh sách các đơn vị chưa thực hiện để yêu cầu Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương kiểm tra xử phạt theo quy định.

Thông tư 15/2012/TT-BGTVT cũng quy định, áo phao và dụng cụ nổi cá nhân sử dụng trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định, được bảo quản khô ráo, sạch sẽ và bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng. Áo phao, dụng cụ nổi cá nhân phải được để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy và không làm che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện thủy nội địa.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục