Vấn đề nóng bỏng, gây tranh cãi nhiều nhất trên nhiều báo và trên mạng xã hội trong thời gian gần đây là việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Tập đoàn Hoa Sen) dự kiến xây dựng dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná trị giá tới 10,6 tỷ USD với công suất 16 triệu tấn/năm tại tỉnh Ninh Thuận. Không phải ngẫu nhiên dự án này lại được đem ra bàn luận nhiều đến như vậy. Nhiều nghi ngại chưa được giải tỏa xung quanh dự án của Tập đoàn Hoa Sen trong bối cảnh những ám ảnh về sự cố môi trường do Formosa gây ra còn đang gây sốc là nguồn cơn chính của chuyện này.
Những vấn đề còn nghi ngại có thể được hài ra như sau. Theo nhiều chuyên gia trong Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các nhà máy sản xuất thép trong nước mới khai thác được khoảng 60% công suất đầu tư. Lộ trình hoàn tất đầu tư toàn bộ dự án của Tập đoàn Hoa Sen là năm 2030. Từ nay cho đến thời điểm đó, liệu nhu cầu trong nước đã cần dùng hết công suất của các nhà máy hiện có? Chưa kể nhiều nhà máy khác như Nghi Sơn, Formosa… đang tiếp tục được đầu tư? Tập đoàn Hoa Sen có thể đem sản phẩm của mình đi xuất khẩu? Nhiều chuyên gia cho biết, đây là vấn đề cực kỳ khó bởi hiện Trung Quốc đang dư thừa hơn 200 triệu tấn thép và đang phải mang đi bán với giá rất rẻ ở nhiều nước trên thế giới.
Nhiều tập đoàn sản xuất thép lớn của thế giới còn lao đao với thép Trung Quốc. Tập đoàn Hoa Sen có bí quyết gì để cạnh tranh? Nhất là khi nơi đặt nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen là Ninh Thuận - địa phương nằm trong số những khu vực có lượng mưa ít nhất Việt Nam. Hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt là điều xảy ra “như cơm bữa”. Mà sản xuất thép cần rất nhiều nước ngọt. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ có nêu ra phương án lấy nước biển, lọc thành nước ngọt, phục vụ cho việc sản xuất thép. Có thể có những công nghệ hiện đại lọc nước biển mặn thành nước ngọt… thế nhưng chi phí không hề rẻ. Chính vì vậy mà nhiều chuyên gia trong ngành cho biết, hầu như chưa nước nào trên thế giới lọc nước biển để luyện kim.
Công nghệ, thiết bị sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen là gì? Liệu có đảm bảo không gây hại cho môi trường? Chắc chắn người dân không thể an lòng khi trong đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ nói “hai hàng”: “Trung Quốc hiện có quá nhiều, quá rẻ về vật liệu cơ bản để chế tạo thiết bị. 90% dự án thép thế giới đều dùng của Trung Quốc chế tạo. Còn nếu nhập từ châu Âu thì làm gì có lời?”. Để an lòng người dân, ông Lê Phước Vũ còn tuyên bố, nếu dự án gây ô nhiễm, ông sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước. Rất có thể ông Lê Phước Vũ thật lòng khi khẳng định như vậy nhưng tiền tài nào có thể đủ bù đắp cho những tổn thất ghê gớm do ô nhiễm môi trường gây ra? Bài học của Formosa vẫn còn nóng hổi. Hàng ngàn ngư dân phải bỏ biển, kéo theo đó là các ngành du lịch, chế biến thực phẩm… cũng đìu hiu. Chính phủ đang nỗ lực khắc phục sự cố này nhưng hậu quả của nó chưa biết đến bao giờ mới giải quyết hết được. Nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen được đánh giá có quy mô tương tự Formosa.
Chưa kể, như nhiều chuyên gia nhận xét, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát chúng là cả một quá trình. Khâu đánh giá tác động môi trường ở công đoạn lập dự án chỉ là khâu đầu tiên và hoàn toàn lý thuyết. Dự án của Formosa cũng từng được đánh giá tác động môi trường khá bài bản. Dự án sản xuất của Tập đoàn Hoa Sen chắc chắn cũng được làm đúng quy trình như vậy. Thế nhưng đánh giá tác động môi trường, quản lý chặt chẽ hoạt động xả thải trong quá trình sản xuất mới là quan trọng. Khâu này, tiếc là ở nhiều địa phương trong nhiều dự án lại buông lỏng. Cán bộ quản lý theo dõi hoạt động này vừa thiếu lại vừa yếu về nghiệp vụ. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải rất bài bản nhưng về sau do sản xuất gặp nhiều khó khăn đã không vận hành hệ thống xử lý chất thải này để… tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, cũng không phải ngẫu nhiên dự án sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen được bổ sung vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân phối thép giai đoạn 2020-2025. Theo các cơ quan chức năng, đầu tư vào thép mang lại hiệu quả kinh tế khá tích cực khi mà điểm % của ngành thép góp vào GDP cao hơn nhiều ngành khác. Hơn nữa, nó sẽ góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất trong nước. Thông tin của các cơ quan chức năng, tất nhiên, đáng tin. Thế nhưng, cân phân tất cả các yếu tố này, khả năng nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hoa Sen tác động xấu đến môi trường vẫn rất cao. Không nên “đánh cược” với môi trường bởi cái giá của sự ô nhiễm môi trường thường rất đắt, có thể chiếm tới vài phần trăm GDP và còn làm xã hội xáo trộn. Chúng ta đã có bài học nhãn tiền từ Formosa, việc cho xây thêm nhà máy sản xuất thép với nhiều nghi vấn như vậy có nên chăng?
NGUYÊN KHOA