Mít tinh quốc gia và nhiều hoạt động phong phú khác vừa được tổ chức tại Bắc Kạn – địa phương có nhiều di sản thiên nhiên và nguồn tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ - nhân kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về rừng.
Tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến đã trao giấy chứng nhận hồ Ba Bể là vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo tồn và phát triển (Ramsar) thứ 1.938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam cho ông Nông Thế Diễn, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể.
Trong gần 40 năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Năm nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới hưởng ứng sự kiện này, trong đó có Việt Nam. Không chỉ tại Bắc Kạn, trong suốt nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, những hoạt động bảo vệ môi trường liên tục được tổ chức rầm rộ ở khắp các địa phương trên cả nước. Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ.
Bất chấp những lời kêu gọi, những chiến dịch ra quân phòng chống nạn tận diệt, buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 19 thế giới về số loài hoang dã bị đe dọa. Về mức độ đe dọa tuyệt chủng đối với các nhóm loài, Việt Nam được xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu thế giới về số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu thế giới về số loài thực vật và lưỡng cư.
Theo Sách đỏ Việt Nam, một số loài coi như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở nước ta như tê giác 2 sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá... Trên thực tế, số loài bị đe dọa tuyệt chủng có thể còn lớn hơn do danh sách loài được đánh giá mới chỉ là các loài có đủ nguồn thông tin.
Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu thành lập Bộ TN-MT vào năm 2002, Bộ trưởng Mai Ái Trực khi đó đã nói với báo giới rằng, ông không tin môi trường có thể được “cứu” một cách dễ dàng, chỉ bằng cách thông qua những ngày hội vui vẻ. Mặc dù những cuốn sách hướng dẫn “sống xanh” tràn ngập ở mọi nơi với những tựa đề như “205 cách để cứu Trái đất” hay “50 cách đơn giản để cứu Trái đất và trở nên giàu có hơn”… nhưng, vị Bộ trưởng rất thân thiện và cởi mở nói thẳng với báo giới, tất cả những việc làm “dễ dàng” của mỗi cá nhân riêng lẻ là cần thiết và không thể thiếu, nhưng không bao giờ là đủ.
“Anh có đi xe đạp đến công sở, rồi vì nóng quá mà bật máy lạnh ở 17°C và hút thuốc lá phì phèo để tự thưởng không? Đi xe đạp như thế chỉ là vì muốn được tiếng sống xanh cho thời thượng thôi”, ông nửa đùa nửa thật bảo. Chỉ có những chính sách ở tầm quốc gia và quốc tế, những quyết định đầy “động chạm” được đưa ra một cách khó khăn mới có thể thực sự cứu được thế giới.
Ở tầm quốc tế, tiến trình đàm phán một nghị định thay thế Nghị định thư Kyoto suốt 2 năm qua đã cho thấy một ví dụ đầy sức thuyết phục. Và ngay tại một quốc gia phát triển như nước Mỹ, quy chuẩn tiêu thụ năng lượng cho xe hơi đã và đang tiếp tục là vấn đề lớn, thậm chí có tác động mạnh mẽ đến chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống.
Thiết tưởng, để cứu lấy Trái đất, những ngày hội, những cuộc mít tinh là rất cần thiết. Nhưng sẽ không thừa khi nhắc lại câu chuyện đầy ý nghĩa mà vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ TN-MT từng chia sẻ.
ANH THƯ