Không nên siết quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình

  Ngày 7-4-2017, Bộ Công an công bố dự thảo để lấy ý kiến đối với Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Những quy định trong dự thảo tạo nên dư luận rằng từ việc siết chặt quản lý kinh doanh loại thiết bị, phần mềm ngụy trang nói trên sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Báo SGGP đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu
Không nên siết quyền sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình ảnh 1

Ngày 7-4-2017, Bộ Công an công bố dự thảo để lấy ý kiến đối với Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Những quy định trong dự thảo tạo nên dư luận rằng từ việc siết chặt quản lý kinh doanh loại thiết bị, phần mềm ngụy trang nói trên sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Báo SGGP đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu (ảnh), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, xung quanh tính pháp lý của những quy định này.

PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết việc người dân sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình có cần thiết?

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU: Điều 4 của dự thảo quy định “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”. Theo quan điểm của tôi, quy định như vậy có phần chưa phù hợp với thực trạng xã hội hiện nay. Bởi lẽ, trong diễn tiến tình hình xã hội hiện trở nên phức tạp và có nhiều mối đe dọa đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân hiện nay, việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình là cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, giúp người dân thực hiện quyền giám sát an ninh của cá nhân, tổ chức tại nơi ở và làm việc của mình. Hơn nữa, dữ liệu được lưu trữ bằng thiết bị ghi âm, ghi hình còn là bằng chứng chứng minh có tính xác thực cao, là chứng cứ để người dân chứng minh trước cơ quan công quyền nhằm yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Cụ thể, Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định, tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình, hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó, hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó; lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh hoặc khai bằng lời tại phiên tòa… Do đó, thiết bị ghi âm, ghi hình là một công cụ hữu hiệu giúp người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Ảnh minh họa. Nguồn: I.T

Có ý kiến cho rằng quy định như trên của dự thảo sẽ giới hạn quyền cơ bản của công dân. Quan điểm của ông thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng nếu dự thảo nghị định được thông qua thì văn bản này sẽ rơi vào tình trạng vi hiến. Bởi lẽ, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã công nhận và nêu rõ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Thiết nghĩ, hoạt động bảo vệ trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm không chỉ của riêng cơ quan nhà nước. Trách nhiệm này thuộc về cả cộng đồng xã hội chung sống nói chung. Và mỗi cá nhân trong xã hội là nhân tố chủ chốt đầu tiên cần tự mình bảo vệ và phòng ngừa mối đe dọa lợi ích của bản thân mình.

 

Thiết bị ghi âm ghi hình còn là phương tiện giải trí không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Do đó, nhà sản xuất thiết bị điện tử đã cho ra đời điện thoại thông minh có tích hợp nhiều tính năng ghi âm, ghi hình tung ra thị trường để phục vụ cho người tiêu dùng. Như vậy, nếu theo dự thảo thì cơ sở bán lẻ thiết bị điện tử có tích hợp tính năng ghi âm, ghi hình hiện nay phải có thêm giấy phép được kinh doanh từ Bộ Công an chấp thuận. Trong khi đó, Nhà nước đã và đang có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, nếu ban hành quy định theo hướng cấm không sử dụng thì rất khó áp dụng, và nếu áp dụng thì cũng không thể giải thích được lý do tại sao phải cấm trong khi đây là quyền mưu cầu giải trí của người dân.

 

Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp mà thiết bị ghi âm, ghi hình có vai trò rất quan trọng để sử dụng trong khi tác nghiệp. Điển hình là cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp hàng ngày đều có sử dụng thiết bị ghi âm, chụp ảnh. Nhiều trường hợp phóng viên điều tra phải sử dụng thiết bị camera giấu kín để ghi lại hình ảnh, nhằm thu thập thông tin phục vụ cho bài viết. Thiết bị ghi âm, ghi hình là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho phóng viên tiến hành thu thập thông tin một cách chính xác, đảm bảo thông tin đăng tải có sức thuyết phục, tạo được đồng thuận trong dư luận. Luật Báo chí 2016 còn quy định việc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, nếu dự thảo quy định chỉ cho phép cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để bảo vệ cho an ninh quốc gia, an toàn xã hội được đưa vào áp dụng thì sẽ khó có được những phóng sự hay, những thông tin xác đáng để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng… Điều này vô hình trung đã hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí.

Vậy theo ông, cần quy định việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình như thế nào?

Nghị định quy định hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là cần thiết trong tình hình xã hội hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo nghị định này nên điều chỉnh về đối tượng hoạt động kinh doanh. Mục đích cốt lõi nhắm đến là thông qua người bán, cơ quan nhà nước có thể quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình. Khi có vấn đề về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội xảy ra thì thông qua người bán, sẽ truy vết được đầu mối bán cho ai, kinh doanh mặt hàng gì và đã có đủ điều kiện để kinh doanh hay chưa. Qua đó, sẽ  xác định được thông tin cần thu thập để quản lý trật tự xã hội.

Tôi cho rằng, dự thảo cũng chỉ nên quy định về điều kiện kinh doanh; còn việc quản lý sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình của người mua thì phải được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cần quy định sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình theo hướng đảm bảo quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng dựa trên nguyên tắc thiện chí, trung thực và đảm bảo không xâm phạm đến lợi ích của quốc gia. Nếu cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình vào các mục đích trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự an toàn xã hội, hay xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình hay để làm nhục người khác… thì sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Do đó, vẫn sẽ đảm bảo được quyền lợi của người dân, đảm bảo được thiết bị ghi âm, ghi hình là công cụ hữu hiệu để người dân và cơ quan báo chí góp phần tham gia phòng, chống tham nhũng, tạo được sự đồng thuận trong dư luận và đảm bảo tính chung tay góp sức của cộng đồng vào quá trình bảo vệ an ninh, trật tự xã hội hiện nay.

THỤC HÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục