Tập luyện pencak silat muộn hơn một số quốc gia khác, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một thế lực rất đáng gờm trên đấu trường quốc tế. Không kể những lần trước, tại giải vô địch thế giới năm 2007, Việt Nam đã đoạt đến 13 HCV. Riêng trong năm 2010, pencak silat Việt Nam cũng giành được 14 HCV tại giải vô địch Đông Nam Á và 8 HCV ở giải vô địch thế giới.
Thành tích trên là quá trình nghiên cứu của BHL từ nhiều năm trước để các võ sĩ vận dụng một số đòn thế đặc sắc của Võ cổ truyền Việt Nam nhưng phù hợp với luật thi đấu. Chính những kỹ thuật cắt kéo, quét chân... mà pencak silat Việt Nam đã xây dựng được cho mình một lối thi đấu đạt hiệu quả cao.
Nhiệm vụ của pencak silat Việt Nam năm nay tập trung vào giải vô địch châu Á lần đầu tiên và SEA Games 26. Tuy nhiên, Bộ môn và BHL đội dự tuyển pencak silat Việt Nam không hề chủ quan và đã chuẩn bị chu đáo kế hoạch cho cuộc tranh chấp ở 2 đấu trường này. Đội dự tuyển quốc gia gồm 45 võ sĩ (20 nữ) ở cả 2 nội dung đấu đối kháng và hội diễn kỹ thuật đã tập huấn từ ngày 20-2 tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội.
Trong số này có một số gương mặt nòng cốt như: Nguyễn Thị Thúy Nga, Trần Thùy Minh Lý, Trần Thị Luyến, Diệp Ngọc Vũ Minh, Võ Duy Phương, Nguyễn Bá Trình, Lê Sỹ Kiên, Nguyễn Thanh Quyền, Nguyễn Thái Linh… được đánh giá là hài hòa giữa các cựu binh và võ sĩ trẻ. Tuy kém về kinh nghiệm trận mạc, nhưng hầu hết các võ sĩ trẻ đều được trang bị khá đủ về kỹ, chiến thuật thi đấu hiện đại.
Điều này đã được chứng minh tại giải vô địch châu Á lần 1 ở Singapore từ ngày 13 đến 18-4 (quy tụ 135 võ sĩ thuộc 11 quốc gia). Tuy những ngày đầu một số tuyển thủ bị bệnh và điều kiện phục vụ của Ban tổ chức địa phương chưa tốt, nhưng pencak silat Việt Nam đã rất nỗ lực thi đấu và đoạt 11 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ để xếp hạng nhất toàn đoàn.
o 0 o
Pencak silat Việt Nam đủ khả năng giành ngôi đầu tại SEA Games 26 tới. Nhưng trên thực tế, đấy là điều không dễ. Rào cản khó vượt nhất với các võ sĩ Việt Nam không phải là đối thủ, mà một số trọng tài quốc tế có biểu hiện không công bằng đối với các võ sĩ Việt Nam, không chỉ trong các trận tranh huy chương, mà ngay từ vòng loại. Gần 6 tháng trước ngày tranh tài SEA Games 26, BTC pencak silat chỉ cho Việt Nam cử 1 trọng tài điều hành giải, dù đây là điều hoàn toàn vô lý và trái với thông lệ quốc tế ở các kỳ SEA Games trước. Lại phải đấu tranh, Việt Nam mới cử được 2 trọng tài Nguyễn Xuân Hải và Mai Thế Lâm tham gia điều hành đại hội khu vực.
Ngày 5-10 vừa qua, đội tuyển quốc gia đã sang Indonesia tập huấn và sẽ về nước vào ngày 20-10. “Trình độ kỹ thuật và chiến thuật thi đấu của silat Việt Nam khá hơn nhiều nước khác nên chẳng ngán ngại đối thủ nào nếu công tác trọng tài nghiêm túc. Tuy nhiên, thi đấu trên đất tổ silat mà lại là nước chủ nhà nên chắc chắn chúng ta sẽ gặp không ít áp lực từ nhiều phía. Rất khó giành HCV thi quyền nên chỉ tiêu 3-5 HCV ở nội dung đối kháng là hợp lý”, HLV trưởng Huỳnh Ngọc Minh Tiến chia sẻ.
Lãnh đội Nguyễn Thị Hồng Hải, Từ Thị Lệ Na phụ trách seni, HLV trưởng Huỳnh Ngọc Minh Tiến, HLV Dương Công Tiến, Trần Văn Toàn, Lê Công Chính, VĐV Diệp Ngọc Vũ Minh, Võ Duy Phương, Nguyễn Bá Trình, Phạm Văn Chí, Nguyễn Duy Tiến, Lê Đăng Minh, Hoàng Quang Trung, Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Tiến Tài, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Yến, Trần Thùy Minh Lý, Trần Thị Luyến, Nguyễn Thị Thúy, Ngô Thị Quyên, Phạm Thị Hà, Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Lan. Các võ sĩ thi đấu 12/18 hạng cân đối kháng (tanding) - 50kg, 55kg, 60kg, 65kg, 70kg, 75kg, 90kg nam; 55kg, 60kg, 65kg, 70kg, 75kg nữ và 6 nội dung quyền (seni). |
Trúc Quỳnh