Hôm nay, 20-2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới thăm Brussels (Bỉ). Chuyến thăm được dự kiến sẽ tập trung thảo luận các chủ đề xoay quanh mối quan hệ song phương Mỹ-Bỉ, cũng như giữa Mỹ và các thể chế của Liên minh châu Âu (EU). Trong những ngày qua, các đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến công du châu Âu để trấn an các đồng minh. Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã yêu cầu ông Mike Pencen phải làm rõ lập trường của chính quyền Tổng thống Trump về EU khi ông Pence tới Brussels.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Pháp có yêu cầu như vậy. Nếu như Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã khôn khéo tìm cách xoa dịu một số tuyên bố gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ khi ở châu Âu thì trong từng trường hợp, họ vẫn không để lộ những đường hướng chính trong đối ngoại của Mỹ.
Theo L’Express, trước hết là quan hệ với NATO - trọng tâm trong chuyến đi châu Âu của giới chức Mỹ, sau khi ông Trump đã gieo khó chịu và khó hiểu khi lúc thì đánh giá NATO đã “lỗi thời”, lúc lại kêu “rất quan trọng”. Hôm 18-2, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách ngoại giao của Washington dưới thời Tổng thống Trump tại Hội nghị An ninh quốc tế diễn ra tại thành phố Munich (Đức), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cam kết với các đồng minh rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sát cánh với châu Âu, cho dù Washington tìm kiếm hướng hợp tác mới với Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ở Brussels lại dọa sẽ “điều chỉnh cam kết” của Mỹ với NATO nếu chi tiêu quốc phòng châu Âu không tăng.
Còn với Nga và Ukraine, sau khi cố vấn an ninh quốc gia, Michael Flynn, từ chức vì bị buộc tội nói dối về mối quan hệ của mình với Nga, các quan chức Mỹ đã hạ nhiệt quyết tâm tiến xa hơn trong quan hệ với Mátxcơva mà ông Trump đã lớn tiếng tuyên bố trước đó. Riêng về vấn đề Ukraine, vấn đề đặc biệt quan trọng đối với châu Âu do lo sợ sự mở rộng của Nga, ông Pence kêu gọi Mátxcơva tôn trọng các thỏa thuận hòa bình Minsk. Cả ông Pence lẫn ông Tillerson trước khi ông này dự cuộc họp G20 tại Bonn không nêu cụ thể các khía cạnh của mối quan hệ Nga-Mỹ mà Trump muốn xây dựng lại. Đề cập tới chuyện này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula van der Leyen đã nhắc Mỹ “không hành động song phương bằng cách nhảy trên đầu của đối tác”.
Liên quan tới EU và Brexit, ông Donald Trump trước đó đã khiến các thành viên EU như hóa đá bằng bài phát biểu tán dương Brexit của mình. Tuy nhiên, ông Mike Pence, dù có mặt ở Brussels nhưng vẫn còn rất mơ hồ khi chỉ đảm bảo “số phận EU và Mỹ đan xen vào nhau”. Điều này khiến Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thất vọng viết trên Twitter rằng ông Phó Tổng thống đã “không (nói) một lời về EU”. Ông Marc Ayrault cho rằng mọi nỗ lực của Mỹ nhằm gây chia rẽ châu Âu đều sẽ thất bại, bởi Washington không thể bù đắp được những lợi ích mà EU mang lại cho các thành viên của mình.
Cho đến giờ, dù có nói gì thì người ta vẫn phải thừa nhận tất cả đều có thể bị tổng thống Mỹ thay đổi vào phút chót. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain từng cho rằng nên chú ý tới những gì ông Trump làm hơn là những gì ông Trump tuyên bố bởi đã rất nhiều lần phải chứng kiến sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động. Vì vậy, cũng không có gì bất ngờ khi các quan chức tham dự hội nghị Munich, vốn chờ đợi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thể hiện lập trường của chính quyền mới ở Mỹ về quan hệ của nước này với Nga, NATO, EU… lại bị hụt hẫng như vậy.
VIỆT KHUÊ