Không nương tay với pháo nổ

Từ năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh cấm sản xuất, vận chuyển, mua bán và đốt các loại pháo nổ thông qua Quyết định số 406/CT-TTg và sau đó là Nghị quyết số 05 của Chính phủ. Đến nay, “lệnh cấm pháo” đã thực hiện được 17 năm và nhìn chung được người dân trong cả nước chấp hành.

Thế nhưng những năm gần đây, việc buôn bán và đốt pháo lại có dấu hiệu quay trở lại với diễn biến đáng lo ngại, nhất là dịp tết cổ truyền. Trong khi các làng chuyên sản xuất pháo bị đình chỉ để chuyển đổi sang ngành nghề khác, hàng loạt cơ sở sản xuất pháo chui bị dẹp bỏ thì ở khu vực biên giới, nhiều đối tượng đã và đang cố tình mua bán, thu gom pháo lậu từ Trung Quốc vào nội địa. Trong đó, mỗi năm đều có hàng trăm vụ được phát hiện và xử lý hình sự, hàng chục tấn pháo lậu bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại xảy ra tình trạng trên? Nguyên nhân chính là do buôn bán pháo lậu hiện nay mang lại lợi nhuận rất cao, nên nhiều đối tượng đã bất chấp cả lệnh cấm để làm liều. Bởi mỗi bánh pháo, nếu bán trót lọt có thể thu lời 300.000 - 400.000 đồng, còn cả mẻ pháo trót lọt là có vài chục triệu đồng.

Nhưng cũng còn có nguyên nhân là sau thời gian thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị cấm pháo đến nay, một số cơ quan, ban ngành, địa phương đã có dấu hiệu chủ quan, lơ là việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng pháo nổ, nên để tái diễn những vi phạm. Ngoài ra, nếu mọi người dân đều quyết tâm tẩy trừ pháo nổ, pháo lậu thì chắc chắn điều đó sẽ không diễn ra. Đành rằng đã có rất nhiều đối tượng bị xử lý hình sự để răn đe, nhiều mẻ pháo lậu bị thu giữ nhưng ai cũng hiểu rằng, đó chỉ là một tỷ lệ nhỏ của lượng pháo lậu đã nhập trót lọt vào nội địa, được chở đi khắp nơi tiêu thụ. Bằng chứng là những năm gần đây, hầu như năm nào vào dịp giáp Tết Nguyên đán, lúc giao thừa cũng có tiếng pháo, nơi nhiều nơi ít. Cũng từng có người cho rằng, pháo là một đặc trưng, là bản sắc của tết cổ truyền.

Tuy nhiên, những mặt nguy hại do pháo gây ra thì còn ghê gớm hơn nhiều những mặt lợi nó đem lại, nên rõ ràng cần phải cấm. Thậm chí mới đây ở xã Thụy Sơn (Thái Thụy - Thái Bình), khi để xảy ra vụ nổ thương tâm vào trưa 24-12, làm sập cả ngôi nhà và một người dân bị thiệt mạng, mới lộ ra nguyên nhân là do lén lút sản xuất pháo nổ.

Nhiều người cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh hoạt động buôn lậu pháo nổ, tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý những cá nhân cố tình đốt pháo thì cũng cần quy rõ trách nhiệm cho chính quyền cơ sở và lãnh đạo của những tỉnh để xảy ra tình trạng người dân vô tư đốt hoặc lén lút sản xuất pháo. Còn nhớ 3 - 4 năm trước, từ việc có nhiều địa phương do để xảy ra tình trạng người dân đốt pháo tràn lan vào lúc giao thừa, sau đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương đó phải kiểm tra, làm rõ.

Năm nay, chuẩn bị đón Tết Nhâm Thìn 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công điện nêu rõ: “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra việc sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ tại địa bàn thuộc phạm vi quản lý”.

Ngăn chặn người đốt pháo nổ cũng không phải là quá khó. Bởi nhiều năm qua, đã có nhiều địa phương làm rất tốt việc chủ động ngăn ngừa pháo nổ vào dịp tết cổ truyền, như tuyên truyền trên loa đài, vận động người dân tham gia tố giác pháo lậu, thậm chí cử cả cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể đến tận nhà dân để yêu cầu ký cam kết không đốt pháo nổ. Do đó, nhiều địa phương đã giữ được “sạch” tiếng pháo trong dịp tết.

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục