Không phải là căn bệnh hết thuốc chữa

Trong các ý kiến của nhân dân TPHCM góp ý xây dựng và phát triển TPHCM, có nhiều ý kiến đề cập việc thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, và có chung nhận xét: Tuy TPHCM đã có nhiều cố gắng thực hiện chương trình này nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là sự bất cập ở năng lực quản lý nhà nước về giao thông đô thị, mà biểu hiện dễ thấy nhất là còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các phương tiện vận tải công cộng.

Đến TPHCM, ngay từ sân bay Tân Sơn Nhất, du khách đã phải ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh bát nháo tại nơi đón taxi. Chuyện này đã diễn ra từ cả chục năm, dù đã có nhiều lần lập lại trật tự nhưng hành khách vẫn phải khốn khổ. Số lượng taxi hoạt động trên địa bàn TPHCM nhiều nhất cả nước và nhiều xe chạy rất hỗn loạn. Chuyện “hung thần xe buýt” trên đường vẫn chưa dứt, một số tài xế xe buýt vẫn chạy ẩu, dừng đậu nghênh ngang, gây mất an toàn giao thông và kẹt xe. Xe dù, bến cóc vẫn tràn lan, nhiều diện tích lòng đường ở nội thành bị chiếm dụng làm bến xe tự phát. Với sự ra đời của mô hình xe công nghệ vận tải hành khách, lượng xe lưu thông trên đường tăng vọt. Điều đáng lo là hiện các tài xế xe ôm công nghệ vừa chạy xe vừa lướt điện thoại, rất nguy hiểm.

Cùng với tình trạng bất ổn trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, cũng đang diễn ra tình trạng bất ổn trong hoạt động vận tải hàng hóa. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, dịch vụ... tổ chức vận chuyển hàng hóa bằng xe máy. Các xe dùng để thồ hàng thường là xe máy cũ kỹ, không kính chiếu hậu, yên xe phía sau chế to ra để chở hàng, thậm chí có chế thêm rơ-moóc để chở rác, chở bình gas, hàng hóa cồng kềnh... và hầu hết các người chở hàng dạng này đều chạy ẩu, lạng lách. Lâu nay, CSGT không xử phạt được các trường hợp này, vì chủ phương tiện thường sẵn sàng “bỏ của, chạy lấy người” do trị giá chiếc xe ít hơn tiền đóng phạt. Số vụ vi phạm trong hoạt động giao thông và vận tải của các xe container và xe tải chở vật liệu xây dựng ngày càng nhiều, làm xấu đi tình hình trật tự và an toàn giao thông ở các cửa ngõ ra vào thành phố.

Thực ra tình trạng bát nháo mất trật tự, mất an toàn giao thông không đến nỗi là “căn bệnh hết thuốc chữa”. Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự đã có quy định rõ những hành vi vi phạm trật tự và an toàn giao thông bị nghiêm cấm và xử lý, như: đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ; điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu; chở quá tải, quá số người quy định; sử dụng điện thoại di động khi điều khiển mô tô, xe máy; sử dụng mô tô, xe máy để kéo, đẩy xe khác, chở hàng cồng kềnh; điều khiển xe buýt chạy sai tuyến, và dừng, đỗ không đúng nơi quy định; điều khiển xe chở rác, chở vật liệu để rơi vãi trên đường phố...

Thực hiện Chương trình đột phá giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Nội dung cụ thể là nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý ngành giao thông vận tải hiệu quả, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ đầu mối trách nhiệm, quản lý thông suốt, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố; tập trung nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu khi thi hành nhiệm vụ.

Quy định pháp luật, chủ trương, giải pháp đều đã có, vấn đề là quyết tâm thực thi thường xuyên, liên tục, với tinh thần trách nhiệm cao, biết vận dụng pháp luật. Điều có thể làm ngay lúc này là tạo dựng nền tảng để hình thành văn hóa giao thông, hình thành ý thức tuân thủ luật pháp, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định hiện hành. Trong việc quản lý nhà nước về giao thông đô thị, còn nhiều việc phải làm thật căn cơ: trả lại vỉa hè cho người đi bộ; không tùy tiện chiếm dụng lòng đường để đậu xe; thực hiện nghiêm túc việc cấp phép lái xe; chấn chỉnh tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông...

Tin cùng chuyên mục