(SGGPO).- Sáng 19-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Việc làm. Những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến là các quy định về tuyển dụng, bảo hiểm thất nghiệp...
Liên quan đến đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị rà soát lại để tránh chồng chéo. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, các chức danh tư pháp (khoảng 33% thị trường lao động) đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Trong khi đó, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lưu ý: Với nội dung như hiện nay, dự thảo luật chưa dành được nhiều ưu tiên cho khu vực phi chính thức như mong muốn. Chúng ta cũng cần quan tâm đến công tác hỗ trợ tạo việc làm cho lao động chưa có tay nghề ở khu vực thành thị, lao động di cư tự do...
Không tán thành một số trường hợp kỳ thị những người tốt nghiệp các hệ đào tạo tại chức, đào tạo từ xa trong quá trình tuyển dụng, đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung nguyên tắc không phân biệt loại hình đào tạo. Bà Trung lý giải, thay vì phân biệt ngay từ đầu theo kiểu “vơ đũa cả nắm” thì nhà tuyển dụng cần xây dựng được cơ chế, giải pháp để lựa chọn được nhân lực đáp ứng được nhu cầu của mình.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, trách nhiệm tạo ra việc làm bền vững là của toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho đến gia đình và bản thân người lao động. Dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm này, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Đơn cử, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin và đóng góp nguồn lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm...
Vấn đề bảo hiểm thất nghiệp được khá nhiều đại biểu cho ý kiến. Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) tán thành việc chuyển nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm và tán thành cao việc mở dộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững của việc làm. Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) có cùng quan điểm này và kiến nghị đánh giá lại toàn diện tình hình hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 3 năm qua để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết. “Tại sao năm 2012 Quỹ này kết dư tới hơn 4.000 tỷ đồng; kết dư tích lũy đến hết 2012 gần 22.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 năm lại chỉ có 1% số người lao động thất nghiệp được đào tạo nghề nhờ Quỹ này?”, bà Thu Anh đặt câu hỏi. Từ đó, theo bà Thu Anh, người lao động mất việc có tâm lý chỉ nhìn vào “con cá” là khoản tiền hỗ trợ được nhận mà không quan tâm đúng mức đến “chiếc cần câu” là công tác đào tạo nghề, điều kiện giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.
ANH PHƯƠNG