Công nghệ thông tin

Không sợ thiếu nhân, chỉ lo kém trí

Đào tạo - cung gấp 10 cầu
Không sợ thiếu nhân, chỉ lo kém trí

Thành phố hiện có 150 đơn vị đào tạo công nghệ thông tin, trong đó có 24 trường đại học, 22 trường cao đẳng và khoảng 100 trường trung cấp. Có thể nói đào tạo công nghệ thông tin có ở hầu khắp các trường đại học.

Đào tạo - cung gấp 10 cầu

Không sợ thiếu nhân, chỉ lo kém trí ảnh 1
Quan hệ cung cầu nhân lực CNTT- TT hiện tại.

Có 6.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong tổng số trên 100.000 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Tổng số nhân lực được các đơn vị đào tạo cung cấp giai đoạn 2001-2006 khoảng 213 ngàn người (nguồn: Sở LĐTB và XH TPHCM và Bộ GD-ĐT).

Như vậy, có thể thấy rằng số nhân lực có trình độ đại học đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội về số lượng. Số lao động có trình độ cao đẳng vượt hơn 5 lần và kỹ thuật viên vượt hơn 10 lần so với nhu cầu.

Các số liệu ước tính số lượng nhân lực được bổ sung cho đến 2010 là 228.000 người được đào tạo (đại học 40.000, cao đẳng 40.000, kỹ thuật viên 148.000), trong khi tổng cầu khoảng 86.000 người (đại học cần 15.000, cao đẳng 13.000 và kỹ thuật viên 58.000). Số nhân lực có trình độ đại học và cao đẳng sẽ được đào tạo tăng gấp hơn 2 lần giai đoạn trước, trong khi số lượng kỹ thuật viên được bổ sung chỉ gần bằng số kỹ thuật viên hiện có. Nhu cầu sử dụng lao động  ở tất cả các trình độ đều tăng mạnh, đặc biệt là trình độ cao đẳng và kỹ thuật viên (cao đẳng tăng 4 lần và kỹ thuật viên tăng 15 lần).

Nhìn chung, tổng cung và tổng cầu lao động công nghệ thông tin đều tăng mạnh và cung vẫn vượt cầu. Giai đoạn 2001-2006, số nhân lực có trình độ đại học gần như cân bằng cung-cầu, nhưng đến 2010 thì cung đã vượt gần 2 lần cầu. Nhân lực trình độ cao đẳng giảm mất cân đối về tỷ lệ (từ trên 5 lần xuống trên 3 lần) nhưng số tuyệt đối lại tăng mạnh (số lao động thừa tăng từ gần 4.000 lên đến 41.000).

Chất nhân lực - kém

Không sợ thiếu nhân, chỉ lo kém trí ảnh 2

Một số nhu cầu về nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Giai đoạn 2008-2010)

Nếu làm phép so sách chương trình đào tạo giữa ĐH Khoa học Tự nhiên và Đại học Canberra (Úc) cho thấy, số môn học chuyên ngành ở 2 trường là bằng nhau (18 môn) nhưng do đại học ở nước ngoài học ngay các môn chuyên ngành do vậy thời gian học tuy ngắn hơn, chỉ có 3 năm, nhưng học chuyên ngành lại nhiều hơn ở Việt Nam nửa năm. Trong số 18 môn của 2 trường, chỉ có 7 môn là tương tự.

Với so sánh trên, phải chăng bài toán giải cho nguồn nhân lực CNTT của VN không phải về số lượng mà là về chất lượng.

Chất lượng nhân lực phụ thuộc rất nhiều về chất lượng của các cơ sở đào tạo.  Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cần hàng ngàn nhân lực nhưng không kiếm đâu ra người đáp ứng yêu cầu. Đó cũng là lẽ thường tình, vì ngay cả doanh nghiệp dệt may cũng không thể có ngay một lúc hàng ngàn công nhân đủ khả năng, dù lao động ngành này giản đơn. Nhân lực phục vụ cho ngành công nghệ cao và phát triển nhanh như CNTT, lại đòi hỏi cần phải có thời gian đào tạo và thích ứng công việc dài hơn nhiều, so với đào tạo lao động giản đơn.

Lập Quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực

Không sợ thiếu nhân, chỉ lo kém trí ảnh 3

Đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại phòng thí nghiệm mở - Sở BCVT. Ảnh: Y.T.

Nếu như các nhà đầu tư nước ngoài có ý định hoạt động tại Việt Nam trong thời gian 10-20 năm, thì nhân lực không phải là vấn đề. Khi doanh nghiệp cần nguồn nhân lực với số lượng lớn nhưng ổn định trong nhiều năm, thị trường lao động sẽ tự điều tiết đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng theo đúng luật cung cầu. Thời gian đầu nếu thiếu, họ có thể sử dụng lao động nước ngoài và đồng thời đào tạo lao động Việt Nam. Với việc nhiều nhà đầu tư cần số lượng lớn nhân lực, là điều đáng mừng chứ không phải đáng lo. Đây là cơ hội để nhà trường tăng cả về số lượng và chất lượng đào tạo. Người lao động có cơ hội được đào tạo, để có được kiến thức phục vụ ngành có hàm lượng chất xám cao trong một thời gian dài.

Sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông trong thời gian qua là một ví dụ. Với số thuê bao lên đến hơn 10 triệu, doanh nghiệp cần số nhân lực rất lớn. Nhưng chúng ta cũng rất ít nghe các doanh nghiệp này kêu về thiếu nhân lực. Thị trường đã thấy và đã đáp ứng nhu cầu ổn định về nhân lực của các doanh nghiệp này.

Ở một góc độ khác có thể thấy, số lượng lao động được đào tạo nhưng chưa được sử dụng cao, tuy bất cập nhưng cũng là một thuận lợi. Số lao động này đã được cung cấp những kiến thức căn bản, nếu được đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, sẽ nhanh hơn so với đào tạo từ đầu. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, có nhu cầu được đào tạo thêm các kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, nhưng họ gặp khó khăn về tài chính. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, với mục đích cho các tổ chức và cá nhân vay vốn để đào tạo hoặc tự đào tạo. Đây là một trong những giải pháp tốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Mạnh Hà
Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM

Tin cùng chuyên mục