Không chỉ có một vài địa phương mà hầu hết tỉnh thành phố trong cả nước đều có tình trạng cấp trùng thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, diễn ra rất tràn lan và kéo dài lâu nay.
Dù chưa có thống kê đầy đủ số thẻ BHYT bị cấp trùng trong vòng 3 năm qua, nhưng theo báo cáo mới đây nhất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chỉ riêng năm 2014, cả nước đã có tới 160.912 thẻ BHYT bị cấp trùng (giảm khoảng 70% so với năm 2013) với tổng số tiền cấp trùng là 82,29 tỷ đồng. Trong số các địa phương có số thẻ BHYT, Hà Nội nhiều nhất với 15.100 thẻ, số tiền hơn 11,18 tỷ đồng; tiếp đến là Ninh Thuận hơn 16.900 thẻ, với số tiền hơn 10,51 tỷ đồng; Bến Tre hơn 8.800 thẻ với số tiền hơn 4,39 tỷ đồng...
Lý giải cho việc cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, do hiện có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng được cấp BHYT chuyển sang cơ quan BHXH để cấp. Chẳng hạn như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi do ngành lao động ở địa phương quản lý lập danh sách, học sinh do ngành giáo dục quản lý và lập danh sách. Do đó, nếu thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh) sẽ dẫn đến việc một người có thể được cấp hơn một thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng chưa xây dựng được bộ mã định danh cá nhân và hệ thống cơ sở dữ liệu cấp thẻ BHYT tập trung nên việc nhiều đầu mối cùng đề nghị cơ quan BHXH ở địa phương cấp thẻ dẫn đến trùng thẻ BHYT là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp trùng thẻ BHYT lâu nay có trách nhiệm đầu tiên là do chính quyền cấp cơ sở không thẩm định đúng đối tượng. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về bộ phận kiểm soát của các ngành liên quan, đặc biệt sở LĐTB-XH là đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trên địa bàn lập danh sách và thẩm định đối tượng được hưởng chính sách BHYT.
Trước thực trạng số thẻ BHYT bị cấp trùng quá nhiều đã khiến cho dư luận xã hội cũng như nhiều người dân rất băn khoăn cho rằng dễ xảy ra tiêu cực và lãng phí ngân sách nhà nước. Theo BHXH Việt Nam, dù số lượng thẻ BHYT bị cấp trùng rất nhiều nhưng không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT. Bởi lẽ một người dù có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh thì cũng chỉ sử dụng được một thẻ BHYT nên số tiền cấp trùng vẫn trong Quỹ BHYT. Thế nhưng xem ra việc trấn an dư luận của BHXH Việt Nam chưa thực thuyết phục, bởi cứ cho rằng không có thất thoát ngân sách do cấp trùng thẻ BHYT song khó tránh khỏi lãng phí về tiền của, công sức và thời gian cho quá trình lập danh sách, thẩm định, kiểm tra người được cấp thẻ, cũng như việc in ấn, phát hành thẻ BHYT.
Để giải quyết hậu quả của việc hàng trăm ngàn thẻ BHYT bị cấp trùng, Bộ Tài chính mới đây đã yêu cầu UBND các tỉnh thành phải thu hồi toàn bộ kinh phí cấp trùng thẻ BHYT đối với các đối tượng được ngân sách trung ương hỗ trợ để nộp về ngân sách trung ương; số tiền ngân sách địa phương chi ra hỗ trợ mua BHYT bị cấp trùng thu hồi về ngân sách địa phương.
Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, một trong những điều kiện tiên quyết là BHXH Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng được bộ mã định danh mới. Cùng với đó, cần thực hiện việc phát hành thẻ BHYT có ảnh của người tham gia BHYT nhằm kiểm soát và hạn chế hành vi gian lận, phát hành trùng thẻ BHYT, sử dụng thẻ của người khác. Đồng thời, nên để cho UBND cấp xã, phường là cơ quan đầu mối duy nhất có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT vì đây là cơ quan hành chính cơ sở trực tiếp quản lý người dân.
MINH KHANG