Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

Không thể chỉ kêu gọi

Không thể chỉ kêu gọi

Sau khi TPHCM áp dụng mức phí lưu giữ 500.000 đồng/xe/đêm đối với các xe vi phạm một trong 8 hành vi theo quy định, tình trạng tụ tập “bão đêm”, đua xe, đánh võng, nẹt pô, rú ga… đã giảm rõ rệt. Từ hiệu quả của “toa thuốc chế tài” này, nên xem xét để áp dụng trong việc xử lý hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

Lòng kênh Hàng Bàng (đoạn cầu Đò) đầy nghẹt rác thải. Ảnh: H.T.K.

Lòng kênh Hàng Bàng (đoạn cầu Đò) đầy nghẹt rác thải. Ảnh: H.T.K.

Tôi xin được dẫn chứng bằng câu chuyện xảy ra tại nơi mình cư ngụ. Các hộ dân sống ven kênh Hàng Bàng (quận 6) cứ vô tư thải rác sinh hoạt xuống lòng kênh, gây ô nhiễm môi trường. Đây là căn bệnh trầm kha từ nhiều chục năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, họ xả rác xuống kênh vì không muốn tốn tiền mướn người đổ rác.

Nay theo quy định của TP, toàn bộ các hộ dân đều phải đóng tiền thu gom rác sinh hoạt. Thế nhưng, họ vẫn cứ quăng rác xuống kênh. Ngoài nguyên nhân... tiện tay (các nhà ven kênh, phần bếp đều ở phía sau nhà, tiếp giáp lòng kênh) còn do tâm lý không muốn lưu giữ rác trong nhà để khỏi phải trang bị thêm thùng đựng rác. Với kiểu suy nghĩ: “mình không quăng rác xuống kênh, người khác cũng quăng”. “Kênh nghẹt đã có nhà nước lo”, những hộ dân cư ngụ ven kênh Hàng Bàng đã tự biến nơi ở của mình thành một bô rác khổng lồ.

Mỗi khi có chiến dịch vớt rác dưới lòng kênh của Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương yêu cầu mỗi hộ dân phải cử một người tham gia. Mục đích là muốn mọi người hiểu được việc vớt rác thải cực nhọc như thế nào để có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh.

Tuy nhiên, do không có quy định bắt buộc và biện pháp chế tài nên nhiều gia đình đã lờ tịt, không tham gia và do vậy tình trạng xả rác xuống kênh cứ ngày càng nghiêm trọng hơn. Xin dẫn chứng bằng những con số: Năm 2008, vớt rác suốt tuyến kênh Hàng Bàng (đoạn thuộc phạm vi quận 6, dài 1,5km) trong 7 ngày, thu 84 tấn rác, bình quân 12 tấn/ngày/toàn tuyến. Năm 2009, chỉ thực hiện trong 1 ngày tại đoạn kênh thuộc phường 5 và phường 8, dài khoảng 1/3 tuyến, tức 500m, đã gom đến 7 tấn rác. Tháng 3-2012, chỉ vớt rác trong nửa ngày, đoạn từ cầu Đò đến đường Ngô Nhân Tịnh, dài khoảng 300m, lượng rác lên đến 15 tấn. Không chỉ rác sinh hoạt, ngay cả những đồ gia dụng hư hỏng như sa lông, cửa ván ép… cũng nằm dưới lòng kênh.

Rõ ràng, nếu chỉ kêu gọi ý thức tự giác sẽ rất khó thay đổi được thói quen xấu của các hộ dân. Dù đã có quy định về việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng nhưng trong thực tế, cơ quan chức năng rất khó để có thể bắt được quả tang mọi trường hợp ngay khi vi phạm. Chỉ có những hộ dân tại chỗ là có thể giám sát lẫn nhau và ngăn chặn kịp thời việc quăng rác xuống kênh.

Tuy nhiên, với tâm lý ngại “gây thù chuốc oán” và... ai cũng xả rác như ai nên chẳng nhà nào thấy phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Cho nên, đã có ý kiến đề nghị nên quy định buộc các hộ dân sống hai bên con kênh này phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí cho việc vớt rác sinh hoạt thải dưới lòng kênh. Điều này cũng là hợp lý, bởi lẽ chính họ là người quăng rác, vì người ở nơi khác không thể mang rác đến đi vào nhà họ để thảy xuống kênh. Cũng nên trang bị hệ thống camera giám sát, ghi hình 24/24 giờ và công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể báo tin khi phát hiện vi phạm. Bệnh nặng phải dùng thuốc đặc trị. Vì một thành phố xanh – sạch – đẹp, cần phải áp dụng biện pháp chế tài đủ hiệu lực.

Hoàng Trọng Khôi

Tin cùng chuyên mục