Lý do của việc chây ỳ, không giảm giá cước vận tải tương ứng với mức giảm giá xăng dầu đã được cả doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý nhà nước mổ xẻ tại cuộc họp với các đơn vị vận tải do Bộ GTVT tổ chức ngày 22-2.
Chỉ đạo mãi không giảm
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, trong năm 2015, phần lớn các DN trên cả nước đã kê khai giảm giá cước vận tải, mức giảm phổ biến từ 3%-5% trên mỗi lần kê khai. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều DN vận tải chưa giảm giá hoặc chỉ giảm chiếu lệ. Đại diện Ban Giá thuộc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ kê khai giảm giá cước của 51 DN trên địa bàn, trong đó phần lớn kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên giá kê khai liền kề trước đó. Trong nhiều lý do không giảm giá được các DN đưa ra, lý do được nhiều DN “vin vào” nhất là chi phí đầu vào ngoài nhiên liệu đã tăng cao hơn mức giảm của xăng dầu, ví dụ như từ 1-1-2016, lương tối thiểu vùng tăng lên, dẫn đến chi phí bảo hiểm cũng tăng, ngoài ra chi phí cầu đường cũng điều chỉnh tăng.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc các trạm thu phí đường bộ BOT làm tăng giá thành đầu vào của nhiều DN vận tải là rõ ràng. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Bình có tới 4 trạm thu phí, 1 lượt xe ô tô con đi hết 140.000 đồng tiền cầu đường. Với các DN vận tải hàng hóa, chi phí cầu đường và chi phí nhiên liệu là tương đương nhau. Lý do không giảm giá cước còn được các DN “đồng thanh” kêu khó nữa là sự nhiêu khê trong mỗi lần kê khai tăng, giảm giá cước. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho biết, các hãng cũng không muốn tăng hay giảm giá, vì mỗi lần điều chỉnh tốn kém rất nhiều.
Mặc dù các DN kêu khó nhưng Bộ GTVT vẫn kiên quyết cho rằng, xăng dầu chiếm đến 25%-35% chi phí vận tải thì dứt khoát xăng dầu giảm cước vận tải phải giảm, tùy theo mức độ, không thể vin vào những lý do này kia để không giảm cước.
Giá vận tải hàng hóa cần giảm theo giá xăng dầu. Ảnh: CAO MINH
Cần thay đổi quản lý giá cước vận tải
|
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc quản lý, còn DN thì tự giác điều chỉnh giá giảm cước khi giá nhiên liệu giảm? Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, để thuận lợi và tiết kiệm thời gian, nếu thay đổi giá cước 5%-7% thì không cần kê khai, và 7% trở lên mới phải làm hồ sơ đăng ký. Ông Đào Minh Dương, Chủ tịch Hãng taxi Vinasun lại cho rằng, cần “số hóa” về giá cả vận tải, giá xăng dầu chiếm 20%-30% trong giá cước vận tải, vậy cứ căn cứ vào mức điều chỉnh của xăng dầu để tăng giảm cước vận tải tương ứng, tuy nhiên giá vận tải chỉ được lên xuống khi xăng dầu tăng hoặc giảm 10% trở lên. Đặc biệt, các DN đều kiến nghị các cơ quan nhà nước phải rà soát lại thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giao quyền chủ động cho các DN vận tải. Bên cạnh đó, phải xác định khoản mục trong kinh doanh vận tải của từng loại hình, từng luồng tuyến, từng địa phương và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các DN vi phạm. Về quản lý DN, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về quản trị DN rõ ràng hơn. Ví dụ, taxi là loại hình vận tải liên quan trực tiếp tới người dân, đặc biệt là các thành phố lớn với khoảng trên 300.000 xe taxi đang hoạt động, nếu tiếp tục khoán trắng cho tài xế như hiện nay thì rất khó quản lý giá, bởi giá xăng dầu giảm thì lái xe được lợi chứ DN không được gì.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch 152 hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng ô tô theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN, đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước. Trong đó, dự kiến khi giá nhiên liệu giảm đến 20% các DN phải tự động giảm, không cần phải ra văn bản để thúc giục, nếu DN nào không giảm sẽ xử phạt. Dự thảo cũng đang tiếp thu các ý kiến và xem xét kỹ việc có thể cho phép các DN taxi tự điều chỉnh đồng hồ hay không. Theo kế hoạch, thông tư này sẽ được ban hành vào đầu tháng 4-2016. Tuy nhiên, các địa phương cần chỉ đạo mạnh và quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra và xử lý vi phạm về giá cước vận tải tại địa phương mình.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu, ngay sau cuộc họp này, các DN phải tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng 2 phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước, có khuyến cáo cho người dân cung đường này thì mức giá cước khoảng bao nhiêu để người dân biết, lựa chọn. Các sở GTVT cần có hướng dẫn việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu cho các DN trên địa bàn mình quản lý. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản, thuận tiện hơn nữa cho DN.
BÍCH QUYÊN
Cước vận tải đủng đỉnh giảm giá Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, TPHCM cho biết tính đến đầu giờ chiều 22-2, mới có một đơn vị vận tải thông báo điều chỉnh giá vé. Đợt giảm giá xăng dầu trước đó, hầu hết các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc, giảm giá từ 2% - 7% mỗi vé xe; nhưng đợt này có lẽ phải chờ vài ngày nữa để xem các hãng có giảm giá hay không. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe miền Tây, TPHCM thông tin việc giảm giá cước vận tải do doanh nghiệp chủ động kê khai với địa phương. Tại bến xe, mới có 3/26 doanh nghiệp ở TPHCM kê khai giảm giá cước với Sở Tài chính từ 3% - 5% theo quy định. Riêng các doanh nghiệp vận tải ở tỉnh (112 doanh nghiệp) tự kê khai giảm giá cụ thể với Sở Tài chính các địa phương, nên bến xe không nắm được thông tin này. Thông báo về việc giảm giá cước taxi, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết phía công ty đã gửi công văn đến Sở Tài chính xin ý kiến về mức giảm cước: ở mức 500 đồng/km đối với xe 4 chỗ; 600 đồng/km với xe 7 chỗ. Nếu công văn này được thông qua sẽ áp dụng vào ngày 27-2. Phía hãng taxi Vinasun cũng thông tin đang xem xét, cân nhắc điều chỉnh giá cước trên cơ sở giá nguyên liệu cũng như một số chi phí vận tải… Ngoài ra, đại diện một số hãng taxi cũng chia sẻ, điều chỉnh giảm giá rất khó thực hiện ngay vì vướng nhiều khâu gồm thủ tục đăng ký giảm giá cước, sau khi được chấp thuận thì phải in lại toàn bộ giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định… Khoản chi cho các loại điều chỉnh hệ thống này, doanh nghiệp phải chịu tổn thất chi phí trung bình khoảng 500.000 đồng/xe. Nhẩm tính, đối với các doanh nghiệp có hàng ngàn xe, số tiền phải chi cho mỗi lần điều chỉnh giá cước sẽ không nhỏ. THI HỒNG