Không thể lơ là...

“Mặc dù kế hoạch cân đối cung - cầu, chuẩn bị hàng tết đã có, các doanh nghiệp cũng đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ tết nhưng chúng ta không thể lơ là với thị trường tết” - đây là phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng tại buổi làm việc với các sở ngành chức năng về công tác chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, TPHCM không chỉ là địa bàn có đông dân số với sức mua lớn nhất nước, mà còn là nơi trung chuyển hàng hóa đến nhiều tỉnh, thành của cả nước. Do vậy, “nhất cử, nhất động” về hàng hóa, giá cả tại TPHCM đều có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác.

Nhìn lại đợt sốt giá trứng gia cầm vào tháng 1-2013 (ngay trước Tết Nguyên đán 2014 chỉ khoảng 10 ngày) đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trên thực tế, đợt sốt giá này không phải thị trường khan hiếm nguồn hàng mà chủ yếu là do các doanh nghiệp có khả năng cung ứng và chi phối lớn trên thị trường “làm giá”. Điều đáng nói là cơn “sốt giá” khởi phát từ TPHCM, Đồng Nai, sau đó lan rộng sang nhiều tỉnh thành khác, trong đó có cả Hà Nội. Chỉ sau 5 ngày TPHCM đã chặn đứng được “cơn sốt”, đồng thời chỉ đúng nguyên nhân gây sốt. Thế nhưng, tại Hà Nội, người dân phải mua trứng đắt hơn gấp 2 lần ròng rã cả tháng trời. Nói như vậy để thấy, TPHCM luôn là nơi “đi trước, về trước”, cả trong việc thử nghiệm triển khai các cơ chế, chính sách và cách làm mới lẫn những bất trắc, khó lường trong diễn biến về giá cả, hàng hóa của một địa bàn có tới 10 triệu dân. Và nữa, tết là cơ hội duy nhất trong năm, các DN làm ăn không chân chính có thể lợi dụng sức mua tăng cao để tăng giá ảo, nên nỗi lo của lãnh đạo TP về thị trường tết là có cơ sở.

Để ổn định được thị trường tết, Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành cần theo dõi và nắm bắt sát diễn biến thị trường, từ đó có những phân tích, đánh giá để triển khai, hỗ trợ các thành phần kinh tế chuẩn bị hàng hóa phù hợp và kịp thời. Về cơ cấu các nhóm hàng, đặc biệt là hàng đặc trưng cho mùa mua sắm tết, nên căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch sát thực, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao.

TP đã định hình được mạng lưới phân phối đa dạng và rộng khắp, ngoài hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, phiên chợ nông thôn, bán lưu động còn có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhưng điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự kết nối tốt hơn giữa DN với người tiêu dùng. Cần có sự kết nối giữa các sở, ngành, quận, huyện, với ban quản lý các chợ trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa, kiểm soát hàng gian, hàng giả và quản lý giám sát giá, đặc biệt là giá dịch vụ thường đồng loạt tăng vào dịp tết. Trong trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND TP. Đối với những địa điểm phát hiện tự ý nâng giá dịch vụ tăng cao trong dịp tết, các sở, ngành phải nắm sát thực tế để truy thu thuế hoặc phạt thật nặng đối với hành vi vi phạm.

Các sở, ngành chức năng cũng đang khẩn trương triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND TP về công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có phương án đề xuất với các bộ ngành nhằm ổn định thị trường. Mặt khác, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, liên tục về hàng gian, hàng giả, các hành vi đầu cơ, găm hàng gây rối loạn thị trường. Hy vọng với sự phối hợp đồng bộ, chủ động của các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị trường Tết Ất Mùi 2015 tại TPHCM sẽ ổn định, người dân TP sẽ hưởng một mùa tết an lành.

HẢI HÀ

Tin cùng chuyên mục