Từ năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới quyết định lấy ngày 1-12 hàng năm là Ngày thế giới phòng chống AIDS. Cũng năm đó, Bộ Y tế nước ta đã thành lập Ủy ban AIDS với sự giúp đỡ của chương trình chống AIDS toàn cầu, từ đó đã thực hiện thành công nhiều chương trình phòng chống AIDS.
Theo Bộ Y tế, tính đến 30-6-2011, cả nước có 190.902 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 46.056 bệnh nhân đang ở giai đoạn AIDS và đến nay đã có 50.108 người tử vong. 6 tháng đầu năm 2011, đã phát hiện thêm 6.146 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 2.477 bệnh nhân AIDS và 844 người tử vong do HIV/AIDS. Các trường hợp nhiễm HIV mới tập trung ở TPHCM, Điện Biên, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên.
So với cùng kỳ năm 2010, số trường hợp nhiễm HIV giảm 1.249 ca, số bệnh nhân AIDS giảm 907 trường hợp, số người tử vong do AIDS giảm 241 trường hợp; có 35 tỉnh thành có số nhiễm HIV giảm, 1 tỉnh không thay đổi và 27 tỉnh có số nhiễm HIV tăng.
Những con số trên cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đạt được kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, các nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn khó lường, do nhận thức của một bộ phận người dân về HIV/AIDS vẫn chưa thực sự đầy đủ, nhất là hiểu biết về con đường lây lan, cách phòng tránh...
Các hoạt động, hành vi có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS như quan hệ tình dục không an toàn, hoạt động mại dâm, tiêm chích ma túy... có biểu hiện gia tăng, trong khi người dân nói chung và cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS có tâm lý “chùng lại” sau khi tình hình dịch bệnh không còn “nóng”, dẫn đến dễ dãi, buông lỏng trong hoạt động.
Do đó, để việc kiểm soát sự lây lan HIV/AIDS có hiệu quả, công tác phòng chống HIV/AIDS cần tiếp tục có sự tập trung, chủ động. Cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục truyền thông, tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm tham vấn cộng đồng, các hoạt động phòng chống đã có hiệu quả trong thời gian qua như phân phát bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy, khuyến khích sử dụng bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao...
TRÚC GIANG (quận 3)