Không thể phản biện xã hội kiểu phong trào

Không được sợ mất chức

Hội nghị bàn tròn nêu lên ý kiến và kiến nghị của nhân dân về “phát huy vai trò các hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội” đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 7-12 tại Hà Nội. Hàng loạt ý kiến tâm huyết đã được các vị nhân sĩ, trí thức nêu lên với mong muốn đưa phản biện xã hội thành một công cụ để xây dựng Đảng, chính quyền, đáp ứng nguyện vọng người dân.

Không được sợ mất chức

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãnh đạo MTTQ phải dám đương đầu với sự thoái hóa của cơ chế thị trường, dám nói, dám chỉ ra những sai sót của chính quyền mới phát huy hiệu quả. “Không sợ mất chức của mình, vì lợi ích của dân, vì tiếng nói của dân, MTTQ mới làm tốt vai trò phản biện xã hội”, ông Túc nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Võ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học và giáo dục của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc chăm lo đến lợi ích của người dân sẽ hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài. Ngoài ra, phải chăm lo đến niềm tin của người dân vì hiện nay niềm tin của nhân dân đã bị giảm sút do một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái. Cần tăng cường phản biện xã hội để Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2013 giải quyết được những bất cập hiện nay. Cùng với đó cần xem lại phân cấp quản lý, vấn đề nào sai, tiếp sức cho lợi ích nhóm, làm thiệt hại lợi ích nhà nước cần kiên quyết hủy bỏ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Cần xử lý nghiêm, công khai những ngành nhiều tham nhũng.

Sẽ hạn chế được tham nhũng, suy thoái?

Ở khía cạnh khác, ông Lê Truyền, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của MTTQ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, MTTQ phải đề cao tính dân chủ và đồng thuận xã hội, nếu không hoạt động của mặt trận sẽ chỉ là hình thức. Trong những năm qua, MTTQ mới chỉ làm tốt việc vận động và huy động trong nhân dân, còn những việc lớn về dân chủ, tạo đồng thuận chưa hiệu quả. Phải coi sự giám sát, phản biện của nhân dân là bắt buộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, để bảo đảm các chủ trương, đường lối đưa ra là chính xác. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc của quá trình đi lên. Vì lẽ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Còn về phía MTTQ, phản biện phải theo đuổi đến cùng.

“Gần đây nghe nhiều đến trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức của các cơ quan, nhưng xem ra vẫn là khái niệm xa xỉ, vì giải trình xong rồi để đó, chưa truy được trách nhiệm. Nên cho phép các Hội đồng tư vấn của MTTQ tổ chức một số cuộc điều tra xã hội về vấn đề bức xúc, công khai cho dân biết”, ông Truyền đề xuất.

GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật của MTTQ Việt Nam đồng tình MTTQ cần tham gia phản biện những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, hiện tuy đã làm nhưng số lượng còn ít. Kinh nghiệm cho thấy, để phản biện xã hội thành công, vai trò của lãnh đạo MTTQ rất quan trọng. Phát hiện nhưng phải theo đuổi đến cùng với tinh thần dám nói, dám làm thì phản biện mới thành công. Từ kinh nghiệm đó, GS Lưu Văn Đạt cho rằng, năm 2013, MTTQ cần tham gia phản biện một cách chuẩn xác về việc sửa đổi Hiến pháp; Luật MTTQ, Luật Đất đai.

Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, hiện nay Bộ Chính trị đang xem xét quyết định Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Vì thế, năm 2013 MTTQ sẽ có nhiệm vụ nặng nề. “Phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, khó và nhạy cảm, vậy nên không thể làm theo kiểu phong trào mà phải có cơ chế cụ thể”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Điều quan trọng, theo ông Vũ Trọng Kim, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ phải có hiệu quả thiết thực, phản ánh được cơ bản, đầy đủ ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Nhắc lại kinh nghiệm phản biện thành công về sửa đổi Luật Quốc tịch năm 1998, GS Lưu Văn Đạt cho biết, khi đó, trong dự thảo luật có quy định mỗi công dân chỉ có 1 quốc tịch; nếu muốn nhập quốc tịch khác thì trong vòng 3 năm phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Hội đồng dân chủ pháp luật phát hiện vấn đề, nếu thi hành theo vậy, chỉ còn người nước ngoài gốc Việt chứ không còn người Việt Nam ở nước ngoài nữa. Sau đó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam lúc đó là đồng chí Lê Quang Đạo đã đề xuất Bộ Chính trị bỏ quy định này. Đó là thành công của phản biện xã hội.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục