Ngày 14-12 tới, Nhật Bản tổ chức bầu cử Hạ viện. Thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế sẽ là yếu tố để các cử tri cân nhắc việc bỏ phiếu. Tuy nhiên, báo Japan Times nhận định chính sách ngoại giao, đặc biệt với các láng giềng trong khu vực Đông Á, cũng là yếu tố quyết định đến lá phiếu của cử tri.
Trong hai năm qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi thăm 50 nước (một kỷ lục đối với một lãnh đạo cấp cao Nhật Bản) nhằm thúc đẩy “chính sách ngoại giao hòa bình chủ động”. Tuy nhiên, chưa có gì rõ ràng là liệu các sáng kiến ngoại giao của ông Abe mang lại kết quả và đóng góp thực sự vào việc giảm các căng thẳng tại Đông Á hay không trong bối cảnh quan hệ của Nhật Bản với các láng giềng vẫn còn căng thẳng.
Ngay trước khi giải thể Hạ viện để cho bầu cử trước hạn, ông Abe đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất hai nước - tại Bắc Kinh tháng 11 vừa qua. Hai bên đã thống nhất có các nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương vốn bị căng thẳng do các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và lịch sử chiến tranh. Hai tuần sau cuộc gặp, 3 tàu tuần dương Trung Quốc đã xâm nhập vào hải phận của quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Những diễn tiến này gây ra các nghi ngờ về ý nghĩa của cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương tiến về phía trước. Đây là lý do vì sao Nhật Bản lại hợp tác với các nước khác, bao gồm Mỹ cũng như các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại biển Đông. Nếu Nhật Bản nhấn mạnh đến mối đe dọa do Trung Quốc gây ra và có các biện pháp bảo đảm an ninh cho mình thì Bắc Kinh càng có cơ sở nghi ngờ về quyết định diễn giải lại Hiến pháp cho phép Tokyo có thể thực hiện các hành động phòng thủ tập thể đe dọa Trung Quốc.
Trong khi đó, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc còn nhiều khó khăn do các bất đồng liên quan đến lịch sử chiến tranh. Việc Hàn Quốc cáo buộc một cựu trưởng văn phòng báo Sankei Shimbun của Nhật Bản ở Seoul hồi tháng 10 vừa qua về tội bôi nhọ Tổng thống Hàn Quốc đã khiến quan hệ 2 nước thêm u ám.
Đối với Triều Tiên, ông Abe đã cố gắng giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970-1980. Việc giải quyết hồ sơ này đòi hỏi phải có những phối hợp giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng không thể giải quyết được nếu như không có sự hợp tác giữa Nhật Bản và các thành viên khác trong vòng đàm phán 6 bên về hồ sơ này, trong đó có Trung Quốc. Vì vậy, tái dựng lòng tin với Trung Quốc và Hàn Quốc là rất cần thiết với Nhật Bản vào lúc Tokyo cố gắng xử lý các hồ sơ trong quan hệ với Triều Tiên.
Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi liệu ông Abe có hiểu được tầm quan trọng của sự cần thiết này hay không? Khi đi thăm đền thờ Yasukuni hồi tháng 12-2013, ông Abe không chỉ làm dấy lên những chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc mà ngay cả Mỹ cũng không đồng tình.
Giới quan sát cho rằng chính sách ngoại giao của Nhật Bản trong thời gian tới cần có sự điều chỉnh để giảm căng thẳng với các nước láng giềng bởi ngoại giao suôn sẻ cũng sẽ góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế xứ Phù Tang.
ĐỖ CAO