LTS: Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc không đồng tình khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thu các loại phí giao thông trong khi ngành GTVT gây lãng phí, tốn kém khi thực hiện một số công trình giao thông gây bức xúc trong dân.
Sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả
Kinh tế đất nước đang rất khó khăn, Chính phủ quyết liệt cắt giảm đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào những yêu cầu cơ bản, cấp thiết nhất. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phê duyệt đề án cần 223.000 tỷ đồng để hiện đại hóa trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển đội tàu biển, máy bay, đào tạo nguồn nhân lực theo đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Có nghĩa là mức chi xây dựng trụ sở làm việc của Bộ GTVT lên đến 12.174 tỷ đồng trong khi thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trong cả nước vẫn còn quá lôi thôi, nhếch nhác.
Lâu nay dư luận đã thắc mắc nhiều về chi phí đầu tư hạ tầng giao thông luôn rất cao nhưng chất lượng lại kém. Thật khó hiểu khi chi phí làm đường cao tốc ở nước ta cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các nước trong khu vực, thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Thật khó giải thích vì sao ở nhiều nơi, trẻ em vẫn phải bơi hay đu mình trên cáp để vượt sông đến trường vì không có cầu, trong khi ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông đang bị sử dụng không đúng mục đích.
Suy cho cùng, số tiền xây dựng trụ sở làm việc của Bộ GTVT chủ yếu là tiền thuế, tiền phí, tiền mồ hôi công sức của người dân đóng góp vào ngân sách nhà nước. Việc sử dụng tiền thuế của người dân phải làm sao có hiệu quả, hợp lý, thiết thực mang lại phúc lợi công cộng trong đời sống xã hội là điều mong mỏi của dân. Đừng để người dân phải xót xa khi tiền của mình đóng góp vào ngân sách nhà nước bị sử dụng vào những dự án lãng phí.
NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TPHCM)
Cần thận trọng và biết khoan sức dân
Thời gian qua, dư luận liên tục bức xúc trước nhiều đề án của Bộ GTVT thu phí đánh vào xe cộ tham gia giao thông, thu phí cao với đường cao tốc và cả thu phí đối với những con đường không hề có đầu tư mới. Mới đây, Bộ trưởng GTVT lại đề xuất thu phí ký quỹ tham gia giao thông để trừ dần khi phạt vi phạm luật. Chưa bàn các đề án đó có đảm bảo tính hợp lý, công bằng, khả thi hay không cũng đã thấy ngay tính thiếu thực tế, quay lưng lại với thực trạng đời sống của đa số người dân hiện nay.
Chắc chắn yêu cầu cao nhất đối với việc lãnh đạo ngành GTVT là phải sáng suốt, có tư duy chiến lược cao để giải bài toán giao thông đang vô cùng rối rắm, bế tắc, chứ không đơn giản chỉ là chặn đường, lùa xe qua trạm để thu phí, tăng phí đánh vào xe cộ cá nhân để bớt xe ra đường. Có nhà khoa học đã nhắc nhở: “Sẽ không bao giờ xài đèn điện nếu chỉ lo cải thiện tình trạng thiếu đèn dầu”. Chắc chắn việc tăng phí, tận thu phí không thể hạn chế được tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông quá tải và giảm ách tắc giao thông. Khi phương tiện vận tải công cộng vẫn tệ hại, dân số tăng sẽ kéo theo phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng. Rồi đây, điệp khúc tăng nữa, tăng mãi sẽ tiếp diễn đến bao giờ? Thận trọng và biết khoan sức dân là yêu cầu rất quan trọng.
ĐẶNG THANH PHƯƠNG (Quận Phú Nhuận, TPHCM)
Hãy nhìn vào mặt bằng thu nhập của dân
Chúng tôi là những người nghỉ hưu, mỗi sáng đọc báo, thấy Bộ GTVT liên tục đề xuất nhiều đề án thu phí, ai cũng không khỏi âu lo. Đây là nỗi lo của những người đã cao tuổi, không có thu nhập hoặc có tiền lương hưu nhưng cũng không là bao nhưng đang phải lo toan trăm thứ cơm, áo, gạo, tiền.
Những người không còn làm công ăn lương hàng tháng nhưng cũng phải có các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống, vẫn cần phải dùng chiếc xe gắn máy cũ kỹ đi lại. Có hợp lý không khi Bộ GTVT chỉ nghĩ đến việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong khi phương tiện vận tải công cộng còn quá bất cập, chưa thể thay thế?
Những ai sắp ra quyết định hay sẽ ra những quyết định “dính” đến thu tiền của dân, đừng nên chỉ nhìn vào mức thu nhập của đại gia với những chiếc xe hơi nhiều tỷ đồng; cũng đừng so sánh mức phí ở các nước giàu có để giải thích rằng mức thu phí ở Việt Nam vẫn còn rất thấp. Hãy nhìn vào mặt bằng thu nhập của những công dân bình thường và đừng quên đang có những người như chúng tôi: không thể kiếm tiền để gánh thêm các khoản phí.
NGUYỄN NGỌC HÀ (Quận 3, TPHCM)