Những ngày vừa qua, nhân dân cả nước, kiều bào ta và bạn bè quốc tế hướng về khu vực Bắc miền Trung (các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình), nơi xảy ra thảm họa thiên tai lũ chồng lũ. Hàng chục người chết, hàng chục vạn con người vùng vẫy, chòi đạp trong lũ dữ, trong biển nước mênh mông để giữ mạng sống và tài sản.
Rất nhiều tài sản bị lũ cuốn trôi. Nguồn lực kinh tế, hạ tầng cơ sở cho cuộc sống sau này bị tàn phá, có nơi hầu như bị xóa sổ. Dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm tới đợt thiên tai khủng khiếp này. Đây có thể coi là một tâm điểm xã hội.
Trên các phương tiện truyền thông, thông tin về lũ lụt ở miền Trung, về sự chăm lo đặc biệt sâu sát của Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương cũng như những hoạt động cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả luôn là những thông tin được mọi người quan tâm chú ý nhiều nhất.
Những bài viết, những hình ảnh về sức tàn phá của lũ lụt, sự chống chọi ngoan cường của người dân vùng lũ, tinh thần nhân ái, nghĩa cử anh hùng trong hoạn nạn đã để lại những ấn tượng sâu đậm, những xúc động không thể tả xiết. Có thể khẳng định, hệ thống truyền thông nước ta, đặc biệt là truyền hình đã làm tốt chức năng của mình trong việc phòng chống và khắc phục thảm họa thiên tai. Tính thời sự, cập nhật thông tin là một thế mạnh đặc biệt của báo chí.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam ta không khỏi tư lự, suy tư. Hình như các tác phẩm văn học, nghệ thuật về thiên tai ở nước ta chưa nhiều nếu không muốn nói là rất ít (chủ yếu sáng tác thơ, nhạc) và hầu như chưa để lại ấn tượng gì? Nhìn ra thế giới, ai cũng biết, hầu như các thảm họa thiên tai, các sự cố nghiêm trọng gây chết người đều được giới văn học, nghệ thuật nước sở tại nhanh chóng làm phim, xuất bản sách.
Cùng thời điểm xảy ra lũ lụt ở miền Trung, sự kiện giải thoát 33 thợ mỏ ở Chile đã thu hút giới văn học, nghệ thuật nước này. Các hoạt động chuẩn bị làm phim, xuất bản sách được xúc tiến rầm rộ.
Có thể nói thiên tai, thảm họa cũng giống như chiến tranh, là đề tài hội tụ rất nhiều chất liệu sống có tầm khái quát cao về số phận con người, về chân - thiện - mỹ. Đề tài thời sự nóng bỏng này chẳng lẽ không gay cấn sao? Không con người sao?
Thiết nghĩ, nhà nước cần có sự tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác về “phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai”. Đó cũng là tiếng gọi từ vùng lũ. Một hiện thực, một đề tài không thể thờ ơ.
TÂN VĂN