Không thể tư nhân hóa đất rừng

Mấy năm gần đây, người ta đang tìm mọi cách để tấn công vào các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có rừng già để tìm lợi riêng.
Theo công bố của Bộ NN-PTNT về hiện trạng rừng Việt Nam đến năm 2016, cả nước có 14.377.682ha rừng các loại (tăng thêm 300.000ha so với năm trước đó); riêng rừng tự nhiên là 10.242.141ha. Nếu số liệu này là chính xác thì đó là một thông tin rất đáng mừng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, rừng nguyên sinh của Việt Nam hiện nay chủ yếu co cụm lại ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia; còn lại nhiều nơi đất trống đồi trọc, rừng trồng là chính. 

Số liệu từ Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT cho biết cả nước hiện có 144 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng (trong đó có 30 vườn quốc gia, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 69 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích là hơn 2,2 triệu ha) và 5 khu bảo tồn biển (Cồn Cỏ, Hòn Cau, Phú Quốc, vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm). Đây là những khu bảo tồn đã được Chính phủ quy hoạch và phê duyệt để bảo vệ. Nhiều khu bảo tồn không chỉ là đất sống của các loài động vật hoang dã quý hiếm, duy trì tính đa dạng sinh học, là “lá phổi xanh khổng lồ”; ngăn bão lũ, sóng biển, nguy cơ xói lở…, mà còn có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng hoặc tạo cảnh quan. Điều đó có nghĩa, không thể chuyển đổi loại rừng này sang các mục đích khác mà chúng có nguy cơ bị xâm hại.

Thế nhưng mấy năm gần đây, người ta đang tìm mọi cách để tấn công nốt vào các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có rừng già để tìm lợi riêng. “Lâm tặc” thì khai đốn gỗ trái phép, thậm chí hành hung cả người thi hành công vụ. Các nhà đầu tư thì “kết nối” với chính quyền, cơ quan quản lý để vẽ dự án thủy điện, khu du lịch, xây resort… ngay trong chính khu bảo tồn đã được tô đỏ. Vụ xây dựng resort lừng lững trong Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội) là một ví dụ; bị dư luận đòi dẹp bỏ nhưng vẫn đang hoạt động. Nổi cộm hơn là vụ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẽ ngay trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai và Lâm Đồng); hay như vụ xâm hại Vườn Quốc gia Yok Đôn (Kon Tum) vài năm trước. Song, mới đây nhất lại rộ lên vụ biến rừng Sơn Trà (Đà Nẵng) thành khu du lịch. Mặc dù chưa được cấp phép hạ tầng kỹ thuật nhưng chủ đầu tư đã đưa máy móc vào cày nham nhở khu bảo tồn vốn là lá phổi khổng lồ của cả TP Hội An và TP Đà Nẵng. 

Tại tỉnh Thái Bình, cũng có nguồn tin cho biết chính quyền tỉnh này vừa xin thông qua dự án quai đê lấn biển với 320ha làm khu công nghiệp - dịch vụ ven biển, trong đó có khả năng lấy luôn 150ha rừng ngập mặn mà người dân đã khổ công trồng và bảo vệ hàng chục năm qua. Mặc dù chủ đầu tư hứa sẽ trồng lại 150ha rừng ngập mặn, nhưng điều này thật mong manh khi mà Bộ NN-PTNT cho biết trong thời gian qua, tốc độ trồng rừng thay thế ở các địa phương triển khai ì ạch, có nhiều dự án phá rừng nhưng vẫn chưa trồng trả theo quy định, thậm chí không bố trí được quỹ đất. 

Từ các vụ lấn khu bảo tồn thiên nhiên cho thấy, nguy cơ du lịch hóa các khu rừng già, vườn quốc gia hiển hiện trước mắt. Biết rằng các khu bảo tồn đều có cảnh quan rất đẹp, vị trí độc đáo, nhưng không vì thế mà phá bỏ và làm du lịch bằng mọi giá, giũ bỏ những giá trị về môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và quyền lợi chung của cả cộng đồng. Ở các nước vẫn cho phép khai thác du lịch trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia nhưng chỉ dừng ở giới hạn du lịch sinh thái, phù hợp cảnh quan chứ không cho phép chuyển đổi rừng, xây dựng có tính xâm hại. Sau khi rộ lên vụ cố tình biến rừng Sơn Trà thành khu du lịch đồ sộ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn. Hiện nay, có nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia đã được Chính phủ giao Bộ NN-PTNT quản lý. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần phải tăng cường quản lý, không để bị xâm hại. 

Tại cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu tổ chức ngày 18-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có biện pháp tổng thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, không vì lợi ích trước mắt mà không tính đến các lợi ích dài hạn. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với nhiều giải pháp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là phải kiên quyết loại bỏ các dự án quy hoạch có tính xâm hại tới rừng, đe dọa môi sinh và có nguy cơ tư nhân hóa đất rừng để làm du lịch; lợi nhuận vào túi vài người nhưng cả cộng động bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục