Không tổ chức điểm thi ĐH-CĐ ở trường tiểu học - Các trường trở tay không kịp

Quá nhiều điểm thi trong trường tiểu học
Không tổ chức điểm thi ĐH-CĐ ở trường tiểu học - Các trường trở tay không kịp

Mới đây, công văn hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 do Bộ GD-ĐT ban hành yêu cầu “không tổ chức thi tại các trường tiểu học”. Ngay lập tức, nhiều trường vướng nội dung này đã phản ứng vì quy định này không thể áp dụng. Bởi lẽ, hiện nay các trường đã hoàn thành việc chuyển giấy báo dự thi đến thí sinh nên việc thay đổi địa điểm là bất hợp lý, gây trở ngại cho thí sinh lẫn công tác tổ chức thi của các trường.

Thí sinh tại điểm thi là một trường tiểu học trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3 TPHCM trong kỳ tuyển sinh 2012.

Thí sinh tại điểm thi là một trường tiểu học trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3 TPHCM trong kỳ tuyển sinh 2012.

Quá nhiều điểm thi trong trường tiểu học

Ngày 6-6, Bộ GD-ĐT phát thông báo hướng dẫn thanh tra công tác thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Trong đó có nhấn mạnh “không tổ chức thi trong các trường tiểu học”. Quy định này thực tế hợp lý nhưng thời điểm áp dụng lại không khả thi. Bởi lẽ, các trường đã hoàn tất thuê mướn địa điểm thi từ tháng 4 và cuối tháng 5 đã in và phát giấy báo dự thi cho thí sinh. Do đó, trước thông báo này, hàng loạt trường phạm quy chấp nhận chịu phạt chứ không thể thay đổi địa điểm thi.

Đáng nói nhất là trong 3 đợt thi, có 49 điểm thi được thuê mướn tại các trường tiểu học, trong đó Trường ĐH Y Dược TPHCM có tới 12 điểm thi, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân: 7 điểm thi, Trường ĐH Sư phạm TPHCM: 6 điểm thi, Trường ĐH Kiến trúc và Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: 5 điểm thi… Đợt thi thứ 3, thi cao đẳng giảm đến hơn 30.000 thí sinh nhưng các trường như CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng đi thuê các trường tiểu học làm điểm thi. Trong khi đó, đợt thi này, số trường phổ thông và trung học cơ sở tại cụm thi TPHCM còn rất nhiều.

Riêng cụm thi Cần Thơ, nhiều trường tiểu học như Ngô Quyền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn trở thành điểm thi hỗn hợp của rất nhiều trường đại học cùng thi chung.

Có thể nói, áp lực của kỳ thi đại học là rất lớn, nhất là các trường có đông thí sinh đăng ký dự thi. Do đó, để có được phòng thi, ngay từ đầu năm 2013, các trường đã liên hệ để thuê mướn địa điểm thi và thông thường  họ vẫn thuê lại những trường quen biết. Nhiều trường ngại thuê phòng thi đúng chuẩn ở các trường THPT, THCS vì một lý do đơn giản: ngại công tác vận chuyển đề thi và ngại xa.

Không khả thi

Năm nay, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh không tổ chức thi tại các trường tiểu học là hợp lý, bởi lẽ nhiều năm qua, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ đều yêu cầu các trường phải tổ chức thi ở nơi có đủ ánh sáng, bàn ghế đúng chuẩn, ngồi đúng khoảng cách… để thí sinh làm bài, nhưng thực tế các trường vẫn phớt lờ quy định này khi để thí sinh ngồi làm bài với bàn ghế của học sinh lớp 1, lớp 5.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho rằng: “Quy định của Bộ GD-ĐT cũng xuất phát từ thực tế và muốn tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trên cả nước. Tuy nhiên, quy định này phải đúng thời điểm và sớm hơn, có nghĩa là phải đưa ra ngay sau khi hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ (tháng 2). Ở thời điểm này mà đưa ra quy định trên, các trường không thể xoay xở kịp”. Cũng theo TS Trần Đình Lý, nếu trường tiểu học mà bàn ghế đúng chuẩn thì vẫn tổ chức thi và thí sinh ngồi làm bài không bị ảnh hưởng gì.

Mặt khác, theo các trường tổ chức thi có thuê địa điểm ở trường tiểu học phân tích: “Đúng là quy định của Bộ GD-ĐT không sai nhưng phải xuất phát từ điều kiện thực tế. Hơn nữa, với những trường có vài chục ngàn thí sinh dự thi thì công tác tổ chức thi (thuê mướn phòng ốc, tập huấn, vận chuyển đề thi…) cực kỳ vất vả. Nếu trường ở quận 1 mà ra tận huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh hay quận Bình Tân, quận 12 thuê những trường THPT và THCS để thi liệu có quá vất vả cho thí sinh?”.

Phó hiệu trưởng một trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ: “Kỳ tuyển sinh ĐH là kỳ thi quốc gia và có quy mô lớn hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, cần có sự phối hợp và chia sẻ giữa các cơ quan, ban ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, dường như Bộ GD-ĐT lại quên chỉ đạo các sở GD-ĐT địa phương, các trường ĐH-CĐ địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ các trường tổ chức thi. Vì thế mà các trường tổ chức thi, nhất là những trường có lượng thí sinh đăng ký thi đông, vượt quá dự kiến phải tự thân vận động trong công tác thuê mướn điểm thi.

Chính vì thế, các trường THPT, THCS có quyền cho thuê hoặc không cho thuê địa điểm, thậm chí họ còn “làm giá” khi yêu cầu các trường ĐH-CĐ thuê với giá cao, đồng thời phải bố trí cho giáo viên trường họ coi thi nhiều, ký hợp đồng thuê mướn và phải đặt tiền cọc trước…”.

Rõ ràng Bộ GD-ĐT có lý do hợp lý nhưng các trường tổ chức thi cũng đưa ra những lý lẽ và minh chứng thuyết phục từ thực tế. Do đó, Bộ GD-ĐT cần chia sẻ và giữ ổn định, tránh xáo trộn trong công tác tổ chức thi cho các trường. Sẽ hợp lý hơn nếu kỳ tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT quyết liệt với quy định này và chỉ đạo các sở GD-ĐT phối hợp tạo điều kiện để thí sinh các trường được thi ở các trường đúng quy định.

Cụm thi TPHCM năm nay có tất cả 590.124 lượt thí sinh dự thi tại 517 điểm thi thuộc 97 hội đồng thi. Trong đó, đợt 1 có 37 trường tổ chức thi với 228.612 thí sinh dự thi, đợt 2 có 38 trường tổ chức thi với 220.150 thí sinh dự thi, đợt 3 có 22 trường tổ chức thi với 141.362 thí sinh dự thi. So với năm 2012, lượng thí sinh dự thi giảm nhưng tăng 17 điểm thi.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục