Triết lý của Khổng Tử - nhà hiền triết được cho là sống từ năm 551-479 trước Công nguyên - và hậu duệ của ngài đang quay trở lại nền văn hóa và xã hội Trung Quốc. Nhà triết học cổ đại này từng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Sau một thời gian dài bị lu mờ, những giá trị của đạo Khổng như tinh thần đoàn kết, giá trị đạo đức, tôn trọng quyền lực, tầm quan trọng của các mối quan hệ tôn ti trật tự hiện đang được tôn vinh hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh xã hội Trung Quốc đang bị cảnh báo tràn ngập sự đố kỵ, bất mãn… Trẻ em nước này được học lại đạo Khổng. Các trường dạy về Khổng Tử mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc. Hiệp Hội Khổng Tử Trung Quốc (CFC) đã lên chương trình mở thêm 10.000 trường mới trong những năm tới đây. Không chỉ có giáo dục, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong xã hội Trung Quốc cũng bắt đầu tôn vinh đạo lý của nhà hiền triết này.
Một cảnh trong vở Khổng Tử tại Trung Quốc Trong một cuộc phỏng vấn trước một buổi biểu diễn vở Khổng Tử tuần trước, cô Khổng Đức Tâm, 34 tuổi, hậu huệ thứ 77 của nhà hiền triết này cho biết đối với cô, cái cách cha cô nói về ngài Khổng Tử giống như một ông cố hơn là vị tổ tiên xa xăm hàng mấy mươi thế hệ. Cô hiện đang đảm nhận vai trò đạo diễn và dàn dựng vở nhạc kịch Khổng Tử. Sau chuyến lưu diễn gây được tiếng vang ở châu Âu, vở diễn này dự kiến sẽ ra mắt tại Mỹ vào tháng 1 - 2017 tại nhà hát David H. Koch Theater ở New York trước khi đến Trung tâm Kennedy ở Washington. Khi cô Khổng Đức Tâm đề xuất ý tưởng dàn dựng một vở diễn tái hiện hình ảnh ngài Khổng Tử, nhiều người trong giới phê bình văn hóa đã biểu lộ sự ngờ vực. Ông Xu Ning, Phó chủ tịch của Nhà hát vũ kịch và Opera quốc gia Trung Quốc, người đảm trách việc đưa vở diễn này đến với công chúng trong và ngoài nước, cho biết : “Tất cả chúng tôi, bao gồm cả các quan chức của Bộ Văn hóa, cũng có băn khoăn, vì hình ảnh dễ gần của ngài Khổng Tử trên sân khấu đi ngược lại quan điểm của người Trung Quốc về Khổng Tử, phải là một người rất nghiêm trang, đạo mạo. Từ những buổi diễn đầu tiên 4 năm về trước cho tới buổi diễn cuối tuần trước, vẫn là nhà hiền triết trong chiếc áo học giả màu trắng và xám, râu dài… (do vũ công Hu Yang thủ vai) với những bước nhảy nhanh nhẹn trên sân khấu, vẫn là nền nhạc đầy kịch tính xóa tan mối nghi ngờ về sự thổi phồng hình ảnh của chương trình. Kể từ lần đầu tiên công diễn ở Bắc Kinh, buổi biểu diễn dài 90 phút đã trở thành một cái gì đó như biểu tượng văn hóa Trung Quốc khi nước này tìm cách tăng cường nỗ lực triển khai sức mạnh mềm ở nước ngoài. Trong hơn 2 năm qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục Trung Quốc đã lặng lẽ thiết lập hàng loạt Viện Khổng Tử và trung tâm văn hoá Trung Quốc trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Trung và cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh ở nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đã xem đây là sứ mệnh truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trên toàn thế giới và tìm kiếm thúc đẩy những giá trị truyền thống như một như một đối trọng với những ảnh hưởng tư tưởng tự do của phương Tây. Tại Viện nghiên cứu đạo Khổng thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Hoa, các hoạt động tưởng nhớ đặc biệt được tổ chức trong hai năm qua. Không những Khổng Tử và những lời răn của ngài giờ đây đã trở thành những biểu tượng được vinh danh, những hậu duệ của dòng họ Khổng một lần nữa bắt đầu được đánh giá lại. Những năm gần đây, con cháu của dòng họ này đã tề tựu về Khúc Phụ, quê nhà của Khổng Tử ở tỉnh Sơn Đông, càng đông hơn để tôn vinh bậc tiền bối. Chính quyền đã cho trùng tu rực rỡ ngôi đền của nhà hiền triết và đã đào tạo 400 viên chức để truyền bá những lời dạy của Khổng Tử cho số 640.000 dân. Vai trò của các hậu duệ ngài Khổng Tử đang được đánh giá lại. Ngoài cô Khổng Đức Tâm đang nổi tiếng với vai trò đạo diễn nghệ thuật, thì nhiều hậu duệ khác của ngài Khổng Tử cũng đã được trân trọng hơn và được giao những sứ mệnh khôi phục lại giá trị Khổng Tử. Khánh Hưng