Đó là khẳng định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tại hội thảo “Cập nhật tình hình kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam” do Ngân hàng ANZ tổ chức tại TPHCM ngày 14-11. Theo TS Võ Trí Thành, trong vài ngày tới, chương trình xử lý nợ xấu có thể được công bố và đây chính là một trong những điểm tích cực của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, từ nay đến đầu năm 2013.
Trả lời về dư luận thời gian qua Việt Nam phải vay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để xử lý nợ xấu, TS Võ Trí Thành khẳng định: “Việt Nam không phải vay tiền để xử lý nợ xấu!” và phân tích, theo số liệu từ NHNN, nợ xấu của Việt Nam hiện khoảng 12 tỷ USD nhưng không nhất thiết phải xử lý hết số nợ này mà chỉ cần xử lý khoảng 70%, tức là khoảng 8 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng hiện khoảng 75.000 tỷ đồng, tức là các ngân hàng đã có thể tự xử lý được 3,7 tỷ USD nợ xấu. Nhà nước chỉ cần xử lý khoảng 4 tỷ USD nữa thôi và cũng không cần ngay 4 tỷ USD mà chỉ cần ít hơn con số này vì thực hiện theo từng giai đoạn, từng quy trình.
“Nguồn lực và kỹ thuật không phải vấn đề lớn trong xử lý nợ xấu mà vấn đề là làm sao giải trình cho tốt trước áp lực xã hội rất lớn liên quan đến lợi ích nhóm và trình tự ưu tiên xử lý trong nhóm nợ xấu” - TS Võ Trí Thành nói và lưu ý phương án xử lý nợ xấu sẽ gắn với vấn đề phát triển nhà ở xã hội.
Trong bối cảnh chung, nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Aninda Mitra, Trưởng ban Kinh tế Đông Nam Á của Ngân hàng ANZ, cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định, lạm phát đã giảm mạnh, tỷ giá duy trì ở mức ổn định, dự trữ ngoại hối tăng… “Mặc dù Việt Nam đã đạt mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, song hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, tăng trưởng tín dụng chậm gây trở ngại lớn cho tăng trưởng.
Điều đáng lo ngại nhất là các chi phí về y tế, giao thông vận tải tăng sẽ tác động đến lạm phát” - ông Aninda Mitra quan ngại. Bên cạnh đó, lợi thế về tỷ lệ dân số “vàng” của Việt Nam (người trong độ tuổi lao động cao) đang có xu hướng giảm, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải thiện nền kinh tế để đáp ứng những thay đổi và thách thức mới.
HẠNH NHUNG