Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Làm mãi chưa xong

Hơn 10 năm chưa có mặt bằng
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Làm mãi chưa xong

Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998 và hơn 10 năm qua, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP) ở Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng cho hoạt động khoa học – công nghệ (KH-CN) Việt Nam. Thế nhưng, đến nay HHTP vẫn chủ yếu chỉ trên mô hình và với rất nhiều sự vướng mắc. Mới đây, Bộ KH-CN cùng UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc về HHTP và mục tiêu đặt ra đến năm 2016 hoàn thành hạ tầng cơ sở và đến năm 2020, nơi đây sẽ mang tầm vóc một đô thị khoa học lớn nhất đất nước...

Một góc Khu CNC Hòa Lạc đang “dang dở” hiện nay.

Một góc Khu CNC Hòa Lạc đang “dang dở” hiện nay.

Hơn 10 năm chưa có mặt bằng

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN kiêm Trưởng ban quản lý HHTP Nguyễn Văn Lạng, sau hơn 13 năm hình thành nhưng đến nay diện tích mặt bằng sạch mới chỉ là 598,8ha; diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) đã bàn giao nhưng còn chờ tái định cư 246,2ha. Diện tích còn lại cần bồi thường GPMB 622ha và đây chính là nỗi lo lớn nhất trong khi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đã có, đường giao thông từ nội thành lên đây và công trình nước sạch đã hoàn thành.

Từ năm 2009 đến nay, công tác GPMB hầu như dậm chân tại chỗ vì chính sách đất đai thay đổi khiến tiền đền bù GPMB tăng cao. Theo ước tính, để có mặt bằng sạch theo đúng quy hoạch 1.586ha, cần có thêm khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng đền bù, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân. Thế nhưng trong nhiều năm qua, kinh phí này chỉ được bố trí khoảng 200 tỷ đồng/năm. Tổng kinh phí đầu tư vào HHTP trong hơn 13 năm qua mới khoảng 2.400 tỷ đồng, trong đó hơn 1.400 tỷ đồng là cho GPMB.

“Mức đầu tư như vậy là quá thấp so với nhu cầu và rất khó để hình thành được khu công nghệ cao theo đúng nghĩa. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung ở đây mới có khoảng 23km đường giao thông và nhà máy xử lý nước thải công suất 6.000m3/ngày đêm. Ban quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện, nước, viễn thông, thoát nước thải đến chân hàng rào công trình cho các nhà đầu tư”, ông Lạng cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (địa phương có 1.432/1.586ha theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của HHTP) cho biết, thực trạng đáng lo ngại là những khu vực cần GPMB có nguồn gốc đất phức tạp do lịch sử để lại, trong khi chính sách đất đai thiếu nhất quán. Quy hoạch cũng thay đổi nhiều lần. Qua hơn 10 năm, hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất cho dự án phải di chuyển chỗ ở. Nguồn sống của họ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn chỉnh khu tái định cư để di dân về nơi ở mới. Vấn đề giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn, bức xúc trong nhân dân.

“Theo Luật Đất đai 2003, việc đền bù phải thực hiện với chủ sở hữu nhưng do tình trạng mua bán đất trái phép, có khi đã qua 4-5 lần chuyển nhượng nên việc xác định chủ sở hữu rất khó. Hiện có đến hơn 200 thửa đất rơi vào tình trạng trên. Ngoài ra, những khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa thi công hạ tầng nên đã có tình trạng người dân tái lấn chiếm và rất khó quản lý”,  ông Hoàn trình bày.

Bất cập kéo theo... bất cập

Theo Ban Quản lý HHTP,  hiện ở đây có 61 dự án được cấp chứng nhận đầu tư và quyết định giao đất với tổng số vốn đăng ký khoảng 31.000 tỷ đồng trên diện tích 217ha. Đã có 18 dự án trong số này đã đi vào hoạt động với tổng số lao động khoảng 4.000 người. Doanh thu của các doanh nghiệp trong năm 2011 đạt gần 1.300 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu khoảng 417 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, tất cả đó đều chưa tương xứng với sự đầu tư và kỳ vọng của Nhà nước, nhất là giới KH-CN Việt Nam đối với nơi đây. Đặc biệt là đến nay, vẫn chưa có những dự án nào mang tầm và đúng nghĩa là công nghệ cao (CNC) hoạt động nơi đây.

Theo các chuyên gia, với vị thế là khu CNC quốc gia đầu tiên, nhưng mô hình quản lý của HHTP nhiều năm qua bộc lộ quá nhiều hạn chế. Thậm chí so với Khu CNC TPHCM ra đời sau, ngoài sự quá “ì ạch” trong việc GPMB, HHTP còn không có sức hút đầu tư bằng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là quyền hạn của đơn vị này rất hạn chế. Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, Ban Quản lý HHTP thuộc bộ nhưng những vấn đề về quy hoạch, tài chính... lại thuộc về Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đến nay, mốc giới của HHTP vừa mới được Bộ Xây dựng hoàn thành. Có vấn đề tưởng đơn giản nhưng đến nay vẫn bế tắc. Đó là chuyện GPMB các đơn vị quân đội trú chân trong địa giới của HHTP. Bộ Quốc phòng đã bố trí được kinh phí di chuyển doanh trại. Hà Nội đã giới thiệu được vị trí mới cho các đơn vị này trú chân nhưng cần 3 tỷ đồng để thực hiện việc lập hồ sơ thì không biết lấy đâu ra vì theo quy định việc chi từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Bộ Tài chính và 1 tỷ đồng trở lên phải báo cáo Thủ tướng. Rõ ràng, sự bất cập này kéo theo bất cập khác khiến cho tốc độ xây dựng, triển khai HHTP đến nay vẫn có tốc độ “rùa”...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng nếu vẫn giữ mô hình quản lý HHTP như hiện nay sẽ rất khó khăn và cần giao cho đơn vị này có quyền tự chủ nhiều hơn. Các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp cũng phải xem đây là trách nhiệm quốc gia chứ không chỉ là chuyện của riêng Hà Nội và Bộ KH-CN.

Và chuyện trước mắt là cần có mặt bằng “sạch” để thi công cơ sở hạ tầng. Mà muốn làm được công tác GPMB, thì cơ chế quản lý và phối hợp không thể không điều chỉnh và sửa đổi. Bài toán “quanh quẩn” đó vẫn chờ lời giải cụ thể từ Bộ KH-CN và TP Hà Nội.

Theo thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản, HHTP sẽ là một trong số những dự án hợp tác lớn thời gian tới. Theo đó, Nhật Bản sẽ cung cấp vốn ODA để xây mới 35km đường giao thông, nhà máy xử lý nước thải công suất 36.000m³/ngày đêm, trạm điện công suất 3x63MVA, hệ thống cáp quang... Các công trình này hoàn thành trong năm 2015 và đến năm 2020, việc thi công các cơ sở hạ tầng khác tại HHTP phải hoàn tất để nơi đây có thể thu hút 300.000 người sinh sống và làm việc.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục