Thời gian gần đây, một số địa phương đã hình thành các khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành phục vụ cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây là yếu tố giúp các DN giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đa dạng hóa đối tượng thu hút đầu tư
Ngành CNHT đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế xảy ra thời gian qua là đa phần DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT là DN nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất ở các KCN. Để đáp ứng nhu cầu của DN, gần đây một số địa phương đã hình thành một số KCN, trong đó dành một phần diện tích phục vụ DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 đang được đề xuất hình thành KCN hỗ trợ.
Điển hình là vào đầu năm nay, Chính phủ đồng ý chọn KCN Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản sẽ thu hút các DN trong lĩnh vực CNHT và các DN quy mô lớn, trình độ công nghệ cao. Không chỉ có Bà Rịa - Vũng Tàu, vào cuối năm 2013, UBND TPHCM đã cho thành lập Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước, giai đoạn 2 nhằm thu hút ngành CNHT của Nhật Bản trên cơ sở cung ứng dịch vụ “trọn gói” từ nhà xưởng đến thủ tục pháp lý theo yêu cầu của DN, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho sản xuất và kinh doanh.
Ngoài ra, mới đây Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) đã nghiên cứu và đề xuất UBND TPHCM lựa chọn hình thành 2 KCN hỗ trợ tại 2 KCN có quỹ đất sẵn sàng khai thác là KCN Lê Minh Xuân 3 và KCN Hiệp Phước giai đoạn 2. Theo Hepza, mục tiêu xây dựng KCN chuyên ngành về CNHT nhằm đáp ứng các nhu cầu mang tính đặc thù cho các DN ngành CNHT về hạ tầng cơ sở như mặt bằng sản xuất, điện, nước, viễn thông, kho bãi, trung tâm đào tạo, khu nhà ở cho chuyên gia và người lao động… và hạ tầng phần mềm như dịch vụ pháp lý - hành chính - thuế - hải quan trọn gói, dịch vụ tư vấn - quản lý sản xuất, dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực… Hơn nữa, xây dựng KCN chuyên ngành về CNHT gắn liền với những chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư vào KCN hỗ trợ với mục tiêu thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành CNHT nhằm tạo động lực và nền tảng để thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn và đa dạng hóa đối tượng thu hút đầu tư.
Còn GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng: Việc hình thành các KCN chuyên ngành sẽ giúp hạ tầng cơ sở như điện, nước, thông tin liên lạc… đồng bộ, tiết kiệm hơn. Mặt khác, nó sẽ giúp cho vấn đề hợp tác giữa các DN trong khu tiện ích hơn vì các DN hoạt động theo một chuỗi giá trị sản phẩm. Chẳng hạn, có những đơn hàng lớn khi khách hàng đặt cho một nhà sản xuất trong thời gian ngắn, nếu một mình DN khó có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo đơn hàng thì họ có thể liên kết với các DN khác trong khu để sản xuất.
Cần chính sách hỗ trợ
Để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, các DN ngành CNHT được hưởng ưu đãi cao nhất và dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ của nhà nước, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nhà nước nên có những chính sách ưu tiên cho vay, cũng như hỗ trợ về mặt lãi suất đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Cụ thể, mở rộng tín dụng đầu tư tư nhân, hạ lãi suất thích hợp và có gói tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, không chỉ chú trọng vào các DN đang hoạt động mà nên hỗ trợ những DN mới khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, có chính sách đặc biệt và quỹ đầu tư mạo hiểm cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, cần tạo lập mối quan hệ giữa vườn ươm công nghệ với các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT để hỗ trợ DN.
Còn Hepza kiến nghị Chính phủ và địa phương cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với DN kinh doanh cơ sở hạ tầng cho CNHT và DN đầu tư vào KCN hỗ trợ. Cụ thể, về đất đai, Chính phủ cần xem xét cho DN đầu tư cơ sở hạ tầng và DN đầu tư vào KCN hỗ trợ được giao đất, cho thuê đất thời hạn 70 năm; tăng thời gian miễn tiền thuê đất 20 năm kể từ khi dự án KCN hỗ trợ đi vào hoạt động. Về thuế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi là 10% trong thời hạn 15 năm, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4.
Riêng với DN đầu tư vào KCN hỗ trợ cần có ưu đãi thuế nhập khẩu bằng việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án và nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho người Việt Nam và người nước ngoài là các chuyên gia đào tạo, chuyển giao công nghệ làm việc tại KCN hỗ trợ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân so với mức thuế thu nhập cá nhân thông thường trong vòng 15 năm và được miễn 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thưởng hàng năm. Đối với UBND TP cần có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi tín dụng, có cơ chế ưu tiên đối với thủ tục hải quan và thuế cho các doanh nghiệp CNHT, hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường…
ĐÌNH LÝ