Khu đô thị sáng tạo Đông TPHCM: Hạt nhân của cuộc cách mạng 4.0

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, GS-TS - Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, chủ trương nghiên cứu nhằm hình thành Khu đô thị sáng tạo Đông đã nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên một tầm cao mới, để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách còn lại so với các đô thị phát triển trên thế giới. 

Đảng bộ TPHCM khóa X (2015-2020) xác định nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong nâng cao chất lượng và tăng trưởng cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh; phát triển nhanh dịch vụ, nhất là các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học... Câu chuyện ra đời Khu đô thị sáng tạo Đông của TPHCM sẽ từng bước cụ thể hóa nhiệm vụ này.

Khu đô thị sáng tạo Đông TPHCM: Hạt nhân của cuộc cách mạng 4.0 ảnh 1 Sinh viên điều khiển robot, hệ thống sản xuất tự động hóa tại Khu Công nghệ cao TPHCM trong đô thị sáng tạo. Ảnh: CAO THĂNG
 Hội tụ nhiều lợi thế

Khu đô thị sáng tạo Đông có nhiều ưu thế để thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TPHCM, bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, đây là địa điểm có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hạ tầng dự kiến hình thành KĐTST: Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Khu Công nghệ cao; khu công nghiệp và khu chế xuất (quận Thủ Đức); khu Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Văn hóa dân tộc; hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng đã và đang hình thành như tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TPHCM đến Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái (cảng lớn nhất hiện nay)…

Nhìn chung, khu vực này đã và đang tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao có thể liên kết với nhau, đồng thời là môi trường tốt cho làm việc, học tập, sinh sống của các chuyên gia, các nhà khoa học và lực lượng lao động có trình độ và chất lượng cao.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, phân tích: “Hình thành Khu đô thị sáng tạo Đông chính là kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính, thương mại hiệu quả. Hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ. Khu đô thị sáng tạo Đông sẽ trở thành lõi trung tâm kinh tế sầm uất, giáo dục khoa học sáng tạo mở phát triển bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á”.

“Đô thị sáng tạo mở” ở TPHCM sẽ phát triển theo hướng hoàn toàn mở đúng nghĩa về tư duy và mô hình thử nghiệm triển khai chú trọng các chức năng “Giáo dục - Nghiên cứu - Kinh tế -  Quốc tế”. Là khu vực đào tạo chấn hưng nền giáo dục trong tất cả các lĩnh vực tiên phong về khoa học kỹ thuật, kinh tế, y tế, được phát triển song song với quá trình nghiên cứu trình độ cao. Phương pháp về giáo dục đào tạo nghiên cứu phải liên kết theo hướng mở quốc tế, tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Tiếp đó, sẽ là khu vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên sâu, chiến lược đặc biệt của Chính phủ và TPHCM; sẽ có những trung tâm nghiên cứu mô hình thử nghiệm tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh..., thế hệ mới và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu. Đồng thời, nơi đây cũng là khu vực phát triển sầm uất, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín, liên kết lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế...

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, GS-TS - Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, chủ trương nghiên cứu nhằm hình thành Khu đô thị sáng tạo Đông đã nâng tầm công tác quản lý phát triển đô thị tại TP lên một tầm cao mới, để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách còn lại so với các đô thị phát triển trên thế giới. Nói cách khác, với bộ khung định hình không gian phát triển đô thị bằng các khu đô thị mới chúng ta đã đạt được ngưỡng phát triển về “lượng”, thì việc liên kết và nâng tầm một số các khu đô thị mới thành Khu đô thị sáng tạo Đông đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới về “chất”. Khu đô thị sáng tạo Đông chắc chắn trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TPHCM và khu vực.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Để hình thành một Khu đô thị sáng tạo Đông với quy mô và tầm vóc hàng đầu như vậy, TPHCM cần có sự học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.

Thành phố Tsukuba là một đô thị loại đặc biệt thuộc tỉnh Ibaraki, Nhật Bản; có 3 cơ sở giáo dục bậc đại học, có hẳn quy chế của một TP khoa học. Nơi đây đã và đang thu hút nhiều đoàn công tác của TPHCM đến nghiên cứu mô hình thành công của nước bạn. Công tác khảo sát, học tập các mô hình đô thị sáng tạo tại các quốc gia khác như Singapore, Nhật Bản, Đức, Phần Lan... đang được TPHCM thực hiện.

Tiếp đó, TP sẽ tổ chức hội nghị - hội thảo phục vụ việc xây dựng ý tưởng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch không gian đô thị, lấy ý kiến các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho Khu đô thị sáng tạo Đông, là tiền đề cho công tác quy hoạch đô thị. Từ đây sẽ lựa chọn thế mạnh cạnh tranh ngành, lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho TPHCM trong xu thế toàn cầu hóa, thông tin hóa như hiện nay: đào tạo, công nghiệp, y tế, nghiên cứu khoa học, nông nghiệp, trí tuệ thông minh; giải pháp đẩy mạnh sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa; nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, nhà khoa học có khả năng đáp ứng được nhu cầu tình hình mới. Đáng chú ý, TPHCM phải có giải pháp thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế.

Kết nối quy hoạch vùng và khu vực

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch phải đặt quy hoạch phân khu 1/5.000 Khu đô thị sáng tạo Đông trong mối tương quan quốc tế - Việt Nam và  diện tích vùng TPHCM, xem xét đề xuất liên kết tương tác các khu vực chức năng đặc trưng vùng TPHCM lấy Khu đô thị sáng tạo Đông làm tâm bán kính phục vụ.

Là khu vực lõi trung tâm phát triển của TP và vùng TPHCM theo hướng đô thị sáng tạo mở, chấn hưng nền giáo dục nghiên cứu trình độ cao, thúc đẩy mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế. Nơi đây là khu vực nghiên cứu chiến lược đặc biệt dành cho những mô hình thử nghiệm nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, siêu thông minh, thế hệ mới và những mô hình thương mại kinh tế mới mang tính toàn cầu. Trong quy hoạch phải xác định rằng, đây là khu vực đáng sống nhất Việt Nam và Đông Nam Á đáp ứng đầy đủ các chức năng đô thị sáng tạo, nhằm thu hút tầng lớp trí thức nghiên cứu trình độ cao, doanh nhân thành đạt, người dân ưu tú và bạn bè quốc tế.

Ông NGUYỄN THANH NHÃ Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM 

Đại học Quốc gia TPHCM trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động

Khu đô thị sáng tạo (Innovation district) là xu hướng phát triển đô thị được thai nghén  đầu tiên vào những năm 1950 tại Mỹ, sau đó lan rộng tại nhiều TP lớn trên thế giới và dần phát triển một cách rõ nét trong vài thập kỷ gần đây.

Tại Việt Nam, vào cuối năm 2017, ý tưởng tích hợp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành Khu đô thị sáng tạo TPHCM được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng. Để phát triển ý tưởng đó, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) đã giao cho Khu Công nghệ phần mềm (ITP) thuộc ĐHQG TPHCM nghiên cứu về đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM. ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía Đông TP, là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, với 2.000 việc làm và là nơi thực tập, học tập của 2.000 sinh viên mỗi năm. 

PGS-TS HUỲNH THÀNH ĐẠT, Giám đốc ĐHQG TPHCM 

Đầu tư, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp

Chúng tôi luôn chú trọng việc đầu tư, tạo dựng môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu - triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. Đến nay, các đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển khoa học và công nghệ chủ yếu từ các doanh nghiệp đã có các kết quả tạo ra những sản phẩm công nghệ cao về vi mạch bán dẫn, nano, sinh học, điện tử…, là tiền đề cho xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Khu Công nghệ cao (SHTP) đã luôn bám sát định hướng, cùng với ĐHQG TPHCM và các viện nghiên cứu, trường đại học lân cận trở thành hạt nhân và hình thành Khu Đô thị khoa học công nghệ Đông Bắc TP. Hình thành một khu vực kinh tế tri thức trên nền tảng kinh tế số có năng suất lao động, đời sống, hạ tầng sinh hoạt ưu việt hơn mô hình kinh tế truyền thống. SHTP đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về khoa học công nghệ, đào tạo, ươm tạo, khởi nghiệp, là thành viên chính thức của Hiệp hội Các công viên khoa học thế giới (ISPA), Hiệp hội Các công viên khoa học châu Á (ASPA); đã hình thành được mối quan hệ quốc tế với các tổ chức Amcham, Eurocham, Jetro... và các trường đại học lớn trên thế giới.

Đây là những nền tảng để tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao trong giai đoạn tới đây.

SHTP đã thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư về R&D công nghệ mới, qua 2 phương cách: Nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Sáng tạo sản phẩm từ kết quả R&D của doanh nghiệp. Việc kết nối đại học - doanh nghiệp thể hiện bản chất SHTP khác với các khu Công nghiệp, SHTP ký kết thỏa thuận hợp tác với ĐHQG TPHCM và coi đây là đối tác chiến lược trong suốt giai đoạn phát triển của mình.

Ông LÊ HOÀI QUỐC, Trưởng ban quản lý SHTP

Tin cùng chuyên mục