Vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên để hình thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM như ngày hôm nay, TPHCM đã phải mất gần 10 năm, những tỉnh có dự án khu nông nghiệp công nghệ cao cần học hỏi để rút ngắn thời gian. Đó lá phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cuối tuần qua.
Mô hình cả nước
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho biết, trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm, chi phí nhân lực, lao động ngày càng cao, TPHCM không có con đường nào khác để phát triển sản xuất nông nghiệp nếu không khai thác nguồn nhân lực hùng hậu các viện trường, kể cả quốc tế để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao vào nền nông nghiệp đô thị như rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh và các loại cây giống. Nhưng bản thân TPHCM không thể làm tất cả, nhất là sản xuất ra lượng hàng hóa lớn. Vì vậy, lãnh đạo TP xác định vai trò của TPHCM là trung tâm sản xuất và cung cấp nguồn giống cho khu vực, từ đó lan tỏa công nghệ cao thông qua việc liên kết hợp tác các địa phương.
Ông Trần Phước Dũng, Trưởng ban quản lý cho biết, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM không chỉ là nơi thu hút nhà đầu tư vào đây xây dựng mô hình và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất mà Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM còn là nơi đào tạo, tập huấn, chuyển giao để lan tỏa mô hình ra ngoài. Vì vậy, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã lập ra Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để liên kết, hợp tác với các viện, trường trong nước và nước ngoài nhằm huấn luyện, đào tạo và chuyển giao. Có như vậy Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM mới phát huy tác dụng trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp công nghệ cao. Nhà đầu tư vào đây không chỉ ứng dụng công nghệ cao để sản xuất cây giống các loại mà còn phải chuyển giao công nghệ, quy trình cho người dân xung quanh để tạo ra vùng sản xuất với lượng hàng hóa lớn.
Theo đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM được thành lập trước khi Nhà nước ban hành Luật Công nghệ cao (năm 2008 và hiệu lực từ tháng 7-2009), điều đó cho thấy sự đột phá của TP trong lĩnh vực này. Dù mới chính thức đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng với tốc độ xây dựng nhanh chóng, gần khép kín diện tích (56ha), có thể nói đây là mô hình cả nước cần tìm hiểu, học tập cách làm, trong đó cốt lõi là thu hút nguồn nhân lực. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề nghị, nên đặt Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM trong vai trò là hạt nhân lan tỏa công nghệ cao cả vùng. Bộ Tài chính nhận định, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cho thấy sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà đầu tư. Tính liên kết và lan tỏa gắn liền với ban quản lý, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và chuyển giao mô hình ứng dụng ra ngoài, lấy hiệu quả các bên làm mục tiêu.
Kinh nghiệm từ Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cả nước đang có 13 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là tỉnh Hậu Giang, địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 4.200ha. Những địa phương này cần tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của TPHCM để rút ngắn thời gian trong quá trình xây dựng. Theo Phó Chủ tịch UBNDTP Lê Minh Trí, do quỹ đất có hạn nên Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM chỉ gần 90ha, các tỉnh bạn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long không nên như TP, nhưng cũng chưa cần quá lớn. Tốt nhất là vài trăm hécta giai đoạn 1. TPHCM là nơi sản xuất giống, không thể nhân rộng ra bên ngoài nhiều, nhưng các tỉnh cần tính đến việc gắn vùng sản xuất liền kề để khi mô hình hiệu quả thì nhân rộng và hình thành vùng sản xuất tập trung nhằm đồng bộ hóa và thu hút mạnh hơn nhà đầu tư.
Theo đồng chí Lê Minh Trí, băn khoăn nhất là việc thu hút nhân lực. TPHCM tăng cường liên kết, hợp tác, cả đào tạo nhưng cũng thấy xu thế hiện nay là thuê nhanh hơn đào tạo. Không phải tất cả đều đào tạo khi sử dụng không tới hoặc không ít người bỏ đi nên việc còn ký những hợp đồng thời vụ được xem là cách làm thiết thực mà hiệu quả. Vì vậy, TPHCM áp dụng cơ chế, “cứng” phần khung của ban quản lý và trung tâm, nhưng phần “mềm” là huy động nhân lực các nơi nhằm nghiên cứu, mục đích ứng dụng kể cả liên kết các tổ chức nước ngoài để học hỏi cách làm hay của mỗi nước.
Như vậy, chỉ cần tăng cường cơ chế cho phần cứng và linh hoạt phần mềm đối với chuyên gia hay nhà khoa học các viện, trường. Cứng và mềm giúp huy động nguồn lực mạnh hơn để tiếp cần nhu cầu đặt ra. Chỗ nào cần thu hút mạnh thì cũng phải chi mạnh hơn. Điều băn khoăn tiếp là chính sách duyệt một cửa thời gian qua tỏ ra hiệu quả, tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư, nhưng thông tư mới đây của Chính phủ chuyển trở về cho các các sở ngành xét duyệt vô tình gây ra sự phiền phức không đáng có cho doanh nghiệp. Vì vậy đề nghị Chính phủ nên xem lại tính đặc thù của khu nông nghiệp công nghệ cao để có cơ chế thoáng hơn trong việc này.
CÔNG PHIÊN