“Khu phố an toàn” ngăn ngừa cháy nổ

“Khu phố an toàn” là khu phố đảm bảo tuyệt đối về an ninh trật tự, không có tội phạm, không vi phạm các quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; không tồn tại các nguy cơ cháy nổ…
Cảnh sát PCCC quận Bình Tân dập lửa tại căn nhà số 9, đường 10A, phường Bình Hưng Hòa B
Cảnh sát PCCC quận Bình Tân dập lửa tại căn nhà số 9, đường 10A, phường Bình Hưng Hòa B
Tại buổi làm việc với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM vào chiều tối 19-9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang yêu cầu Cảnh sát PCCC TP phải phối hợp cùng các sở ngành, quận huyện, phường xã sớm xây dựng và triển khai rộng rãi mô hình “Khu phố an toàn” để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất là trong PCCC.
Là đơn vị nòng cốt trong công tác PCCC, Cảnh sát PCCC TP phải xem đây là giải pháp trọng tâm và phải thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
“Khu phố an toàn” là khu phố đảm bảo tuyệt đối về an ninh trật tự, không có tội phạm, không vi phạm các quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt; không tồn tại các nguy cơ cháy nổ…
Để được như vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trong đó, Cảnh sát PCCC phải làm tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về PCCC; phổ biến kiến thức PCCC đến từng chủ doanh nghiệp, cơ sở, người lao động, hộ gia đình, người dân; có phương án ứng phó, xử lý trước các tình huống, sự cố bất ngờ, phức tạp có thể xảy ra.
Công an, quân đội phải làm tốt công tác xây dựng lực lượng, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự…
Chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, tổ chức tuyên truyền có hiệu quả để nâng cao ý thức cho người dân.
Việc triển khai thực hiện “Khu phố an toàn” phải đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị mới có hiệu quả.
Đồng chí Tất Thành Cang cũng đề nghị Cảnh sát PCCC TP và các quận huyện phải coi trọng vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ (dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân, đội bảo vệ PCCC chuyên ngành…). Hàng loạt vụ cháy lớn, cháy lan gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua cho thấy lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Ngay lúc này, Cảnh sát PCCC, các quận huyện phải rà soát, đánh giá lại lực lượng này về con người, cũng như nghiệp vụ, trang thiết bị kỹ thuật. Từ đó có giải pháp hợp lý, tăng thêm số lượng, tập huấn nghiệp vụ, có chế độ xứng đáng, đầu tư trang thiết bị (bình chữa cháy, máy bơm…) cho lực lượng PCCC tại chỗ.
Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC TP cần phối hợp với Điện lực TP, có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện giải pháp kéo giảm các vi phạm trong sử dụng điện; khắc phục các hư hỏng, xuống cấp của hệ thống điện để ngăn chặn cháy nổ do điện xảy ra.  
Về đề xuất cho trưng dụng lực lượng chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ thành lực lượng xã hội hóa tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và có chế độ, chính sách phù hợp của Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang yêu cầu Cảnh sát PCCC phải phối hợp với các sở ngành, quận huyện đánh giá lại nhu cầu thực tế, tính hiệu quả của lực lượng chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ và có báo cáo. Khi đó, lãnh đạo TPHCM sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan giải quyết.
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, từ đầu năm 2017 đến ngày 5-9, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.026 sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ, cứu nạn cứu hộ. Riêng cháy xảy ra 861 vụ, trong đó có 22 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy đã làm chết 22 người (tăng 16 người so với cùng kỳ), bị thương 34 người, thiêu rụi 36.724m² nhà xưởng, nhà dân. Ước tính thiệt hại tài sản hơn 82 tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận Bình Tân (69/861 vụ), đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân (351/861 vụ). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do các vi phạm trong sử dụng điện, chiếm tỷ lệ hơn 50%. 

Tin cùng chuyên mục